Từng được mệnh danh là “thành phố trăm hồ” cho đến khi hầu hết ao hồ biến mất, thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đối mặt với nạn ngập lụt trầm trọng. Vũ Hán có nhiều con đường mang tên hồ như Đường Hồ Quạt, Đường Hồ Quả, nhưng ngoài những cái tên đó, bạn sẽ không thấy bất cứ hồ nước lớn nào, trừ khi trời mưa to. Vào những năm 1980, có tới 127 hồ nước chỉ riêng ở khu vực trung tâm Vũ Hán, nhưng sau những thập niên đô thị hoá vũ bão, đến nay chỉ còn khoảng 30 hồ “sống sót”.
Nằm ở nơi hợp lưu giữa sông Trường Giang và sông Hán, thành phố có nền đất thấp - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc luôn phải chống chọi với tình trạng ngập lụt, đặc biệt là trong những tháng hè khi mùa mưa ập đến. Những đường phố mang tên hồ chỉ gợi nhắc ký ức về những ao hồ mênh mông nước thuở nào, nhưng vào năm 2016, sau một tuần mưa như trút, tất cả những vùng đất trũng ở Vũ Hán lại được đổ đầy nước. Nhà ga tàu điện ngầm và các con phố ngập băng, 14 người chết và nhiều cộng đồng nội đô bị cô lập.
Trận lụt năm đó thực sự là một hồi chuông thức tỉnh. Với dân số được dự báo sẽ vượt 10 triệu người vào năm 2035, tình hình sẽ còn trầm trọng nếu không có giải pháp hiệu quả.
Từ đó, dự án “thành phố xốp” đã được Vũ Hán và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc như Thượng Hải, Hạ Môn, Thâm Quyến, Bình Hương... tích cực triển khai. Theo kế hoạch “thành phố xốp”, Vũ Hán phải đảm bảo rằng đến năm 2020, 20% đất đô thị sẽ có tính năng thấm nước giống như miếng xốp bọt biển vậy. Trên toàn Trung Quốc, các dự án “thành phố xốp” đã được mở rộng đến 30 đô thị. Mục tiêu là đến năm 2030, những thành phố tham gia phải có 80% diện tích đất đô thị được trang bị tính năng “bọt biển”, với mục tiêu thấm giữ được 70% lượng nước mưa!
“Thành phố xốp” hướng tới những giải pháp như dùng vật liệu thấm nước để lát vỉa hè, lối đi, sân chơi; bảo vệ ao hồ tự nhiên, đào thêm các ao, hồ, đầm lầy nhân tạo; mở rộng công viên cây xanh, các thảm cỏ ở cả mặt đất và mái nhà, khơi thông các dòng chảy. Ý tưởng là nước mưa sẽ được giữ lại một phần trong đất, phần dư thừa sẽ được đưa xuống các bể chứa dưới lòng đất và chỉ xả ra sông khi mực nước đủ thấp hoặc được tái sử dụng.
Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang áp dụng giải pháp “thành phố xốp”. Thành phố Boston của Mỹ từng lên kế hoạch xây tường chắn biển, với chi phí tới 12 tỉ USD cho 6km tường, để tự bảo vệ mình trước nguy cơ nước biển dâng hơn 50cm vào năm 2050. Tuy nhiên sau khi các nhà khoa học cảnh báo tường chắn không phải là một giải pháp bền vững, thành phố đã chuyển sang xây dựng hệ thống công viên ven biển được thiết kế để chịu ngập mà không bị hư hại. Những công viên này hấp thụ nước, tích trữ và sử dụng cho mục đích khác để làm giảm thiệt hại do ngập lụt gây ra.
Tại Thái Lan, hệ thống bể nước ngầm bên dưới công viên Đại học Chulalongkorn ở Bangkok có thể tích trữ lượng nước lớn khi trời mưa. Nước mưa chảy vào các bể nước đặc biệt bên dưới công viên và sau đó dùng để tưới cây cho cả công viên trong 20 ngày.
Các nhà chức trách tại thủ đô Berlin của Đức cũng đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm biến nơi đây thành “thành phố xốp” có thể chịu được cả ngập lụt và nắng nóng do biến đổi khí hậu. Cỏ và rêu được trồng trên mái nhà, ven các con đường để thấm hút nước mưa. Nhiều không gian xanh và đầm lầy được bổ sung để điều hoà nước.
Tất nhiên, “thành phố xốp” chỉ là một trong nhiều giải pháp chống ngập lụt cần phải được triển khai đồng bộ. Với những thành phố nơi ngập úng là một vấn nạn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thì đây có thể là một mô hình đáng để học hỏi.
Ở nước ta, các cụ xưa đã đúc kết kinh nghiệm chống ngập lụt trong ba chữ “T”: Chữ “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là nước mưa rơi xuống phải được trang rộng, trải ra trên diện rộng để dễ ngấm xuống đất; chữ “T” thứ hai là “thu”, tức là nước được “thu” lại vào các hồ ao; và chữ “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống cống, kênh mương, sông ngòi để nước thoát đi. Những đô thị rơi vào cảnh “càng chống càng ngập” là do cả ba chữ “T” này đều bị phá vỡ. Quá trình đô thị hoá đã khiến mặt đất bị bê tông hoá quá nhiều, không còn các khoảng không gian rộng lớn để “trang” nước mưa nữa. Tất cả lượng mưa rơi xuống đều đổ dồn vào đường phố gây ngập úng. Rất nhiều ao, hồ có tác dụng điều hoà nước bị san lấp để làm mặt bằng cho các công trình xây dựng, không còn chỗ để “thu” nước nữa. Trong khi đó, hệ thống tiêu thoát nước ngày càng bị co hẹp dòng chảy do bị san lấp, lấn chiếm, sạt lở, do tắc nghẽn bởi rác thải...
Có thể thấy giải pháp “thành phố xốp” về cơ bản đã nhắm đến cả ba chữ “T” nói trên, với việc mở rộng diện tích “trang” nước (làm sân cỏ trên mái nhà, mở rộng công viên cây xanh, thảm cỏ), xây dựng các ao hồ nhân tạo, bể chứa để “thu” nước và cải thiện hệ thống tiêu thoát nước hoặc sử dụng nước đã tích trữ vào mục đích hữu ích. Tất nhiên, đây cũng là những giải pháp tốn kém và khó có thể thực hiện nhanh chóng trên quy mô lớn. Tuy vậy, các khu đô thị mới vẫn đang tiếp tục mọc lên ở nhiều thành phố trên cả nước ta có thể trở thành những nơi thí điểm cho mô hình này, để từ đó có thể nhân rộng ra, và tuỳ theo điều kiện mà có những cách ứng dụng linh hoạt.
Câu chuyện “chống ngập bằng lu” mới đây có lẽ đã không trở thành chuyện “mắc cười” đến vậy nếu như tình cảnh ngập lụt ở các thành phố không trở nên quá nan giải, để có thể bắt đầu từ một giải pháp thủ công như vậy. Nhưng “cái lu nước” khi được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là các công cụ để “thu” nước giống như những “miếng xốp” khổng lồ kia, thì đó chắc chắn là một mắt xích không thể thiếu trong quy trình chống ngập cho bất cứ thành phố nào.