Trước tiên, tôi cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không là một tín hiệu lạc quan, vì nó phần nào cho thấy mức độ phát triển kinh tế của đất nước. Song việc mới đây hàng loạt địa phương đề xuất xây dựng hoặc nâng cấp sân bay lại là điều đáng bàn.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, Việt Nam có 22 cảng hàng không (9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa). Theo Dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất đến năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (gồm 13 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa). Tức là giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được quy hoạch trước đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng loạt địa phương đã đề xuất bổ sung qui hoạch để xây dựng sân bay tại tỉnh mình.
Vận tải đường không là một hình thức giao thông hiện đại, với nhiều ưu thế vượt trội. Đất nước ta đang ngày càng phát triển, giao thông liên lạc vô cùng thuận tiện và nhu cầu đi lại bằng đường không của người dân cũng ngày càng lớn. Mong muốn xây dựng sân bay nhằm mục đích kích cầu du lịch, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế-xã hội… là nhu cầu chính đáng của các địa phương. Hàng không có vai trò rất quan trọng, tạo động lực để kinh tế “cất cánh” và đó chính là lý do khiến địa phương nào cũng muốn có sân bay.
Tuy nhiên, kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy sân bay nên giữ vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của một vùng, chứ không chỉ của riêng một tỉnh-thành nào. Về lý thuyết, 75% người dân có thể tiếp cận với một cảng hàng không trong bán kính 100 km. Theo tiêu chí này, Việt Nam được đánh giá là đang có mạng lưới giao thông hàng không thuận lợi, khi các sân bay nằm dọc chiều dài đất nước, hiện diện ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Do vậy, việc xây dựng sân bay mới trong thời gian tới không phải là vấn đề quá cấp bách, mà nên đầu tư có trọng điểm, ưu tiên chất hơn là lượng và tránh phát triển tràn lan, dễ gây lãng phí cả về tài chính lẫn nguồn lực. Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng việc đầu tư một sân bay điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh tế, mà hiệu quả xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân. Với mạng lưới sân bay hiện nay, và qui hoạch tới năm 2030, ngành hàng không được cho là hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Xây sân bay cũng không nên chỉ căn cứ theo nguyện vọng và đề xuất của địa phương. Phát triển sân bay cần có một qui hoạch tổng thể, tính tới khả năng trung chuyển và tiềm năng hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Giới chuyên gia cho rằng việc phát triển các cảng hàng không mới cần dựa vào 6 tiêu chí chính, bao gồm: Nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm và cự ly tới sân bay lân cận).
Một yếu tố khác cần phải tính tới đó là vấn đề tài chính. Bộ Giao thông Vận tải ước tính chi phí đầu tư hàng không giai đoạn 2020-2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa. Phát triển và duy trì hoạt động của các sân bay cần nguồn vốn rất lớn. Vì thế, cơ quan chức năng nên tính toán kỹ lưỡng vốn đầu tư, chi phí hoạt động và lợi ích thu lại từ việc khai thác sân bay. Trên thực tế, hiện nay, chỉ có 6/22 sân bay của nước ta làm ăn có lãi, còn lại 16 cảng hàng không khác đều đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động.
Nguồn lực đất nước có hạn, nhu cầu phát triển các lĩnh vực khác rất lớn, việc quy hoạch, đầu tư sân bay mới cần phải tính toán sao cho hợp lý, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, tỉnh bạn có sân bay thì tỉnh mình nằm ngay cạnh cũng phải có bay. Đầu tư mới một cảng hàng không đòi hỏi nguồn nhân lực, nguồn tài chính và quỹ đất khổng lồ. Bởi thế, vấn đề này cần phải được tính toán kỹ lưỡng, đặt trong mối tương quan tổng thể với các qui hoạch khác. Việc qui hoạch và phát triển ồ ạt có thể sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.