Cơn mưa lớn kéo dài dịp giữa tuần này trên địa bàn Hà Nội đã thêm một tiếng thở dài cho cảnh ngập lụt đô thị.
Nhiều khu vực của Thủ đô rơi vào tình trạng ngập úng, thậm chí quá nửa ngày sau đó, vẫn chưa có dấu hiệu rút nước. Hồ Văn Quán nước ngập sâu, người và phương tiện bì bõm di chuyển. Huyện Chương Mỹ có những đoạn mênh mông như sông, các cụm dân cư nhìn từ trên cao xuống như những hòn đảo. Nước tràn vào nhà dân. 3-4 ngày sau cơn mưa, tới 26-27/7, dù trời đã trở nắng, nhưng hàng trăm hộ dân tại phố Miêu Nha (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn sống trong cảnh nước ngập.
Như vậy là sau những “đầm Tràng Tiền”, “kênh đào Trần Hưng Đạo”, “cảng nước sâu Cửa Nam”… - cách gọi hài hước về các khu vực ngập lụt - tại trung tâm thành phố Hà Nội, các “thắng cảnh” dần được gắn liền với các địa danh quanh đường vành đai, như “huyện đảo Cầu Giấy”, “làng chài KengNam”, “Phượng Hoàng Cổ Nhuế”… Và tới cơn mưa gần nhất này, thì 4 phía của Hà Nội, có cả huyện ngoại thành, cũng đã gia nhập vào “vùng sinh thái ngập nước”. Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông… nhiều điểm ngập. Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Trì cũng ngập sâu, giao thông ách tắc, có nơi người dân phải di chuyển bằng thuyền. Thị trấn Xuân Mai có nơi ngập gần 1 mét, bộ đội, dân quân tự vệ phải hỗ trợ sơ tán người già, trẻ nhỏ và các tài sản của người dân tới khu vực cao hơn. Trên tuyến Đại lộ Thăng Long, các hầm chui bị ngập nặng từ đường vào nhà dân, nhấn chìm nhiều xe máy. Tại nhiều khu đô thị mới ở phía Tây, nhiều người dân phải dùng bao cát, căng bạt che chắn làm đập ngăn nước không tràn vào nhà nhưng bất thành. Đáng chú ý, càng ở ngoại thành, nước rút càng chậm, có nơi ngập 2-3 ngày…
Ngập lụt tại Hà Nội đã kéo dài quá nhiều, quá nhiều năm. Thậm chí, khi người dân “sợ hãi” cảnh chật chội và ngập lụt nội đô, tìm ra ngoại thành sinh sống, và các khu đô thị ven đô mọc lên, thì chính các khu đô thị cũng lần lượt trở thành “ốc đảo”. Mỗi trận mưa lớn là một trận ngập lụt, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, tài sản bị hư hại và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Chưa thể thống kê được hết những thiệt hại do ngập lụt gây ra trong biết bao năm qua, chỉ biết rằng càng ngày, tình trạng ngập lụt càng nặng nề, càng lan rộng, và càng là hình ảnh không thể chấp nhận được tại đô thị loại đặc biệt của cả nước.
Theo các chuyên gia, tình trạng ngập lụt tại Hà Nội, không chỉ trong cơn mưa vừa qua, là do mực nước tại các sông hồ dâng cao nên phát sinh hàng loạt điểm ngập úng. Một số khu vực và khu đô thị là vùng trũng, nên đương nhiên trở thành “rốn nước”. Nhưng nguyên nhân sâu xa, là do Hà Nội vốn thoát nước theo “phong cách” từ nơi cao chảy xuống chỗ trũng, trong khi tại các “chỗ trũng” lại chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Đô thị phát triển, mở rộng ra vùng ven, nên các khu dân cư mọc lên, vừa chặn nước thoát đi, vừa trở thành nạn nhân của chính tình trạng ngập. Cũng có thực tế, trong khi có những khu vực chìm trong nước, thì trạm bơm thoát nước cho chính các khu vực này, dù được đầu tư tới vài trăm triệu đô la, lại hoạt động cầm chừng, không hết công suất. Lý do là dự án kênh dẫn nước vào nhà máy chưa xây dựng xong. Sự thiếu đồng bộ, dàn trải, phân tán cho đầu tư hạ tầng thoát nước, khiến tình trạng “Hà Lội” mở rộng không ngừng.
Sau mấy ngày ngập nặng tại ngoại ô Hà Nội vừa qua, một số giải pháp trước mắt để tiêu thoát nước nhanh đã được đưa ra, ví dụ lập các trạm bơm dã chiến tại các khu vực ngập lụt. Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch và hệ thống các hồ điều hòa đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước cho từng khu vực và toàn thành phố. Hơn nữa, là cần một “tổng công trình sư” đủ năng lực để rà soát tổng thể, chỉnh sửa đồng bộ và bền vững, tìm lối thoát cho tình trạng nước ngập đã quá bế tắc hiện nay. Có như vậy, người dân Thủ đô mới không còn phải ngậm ngùi với câu “Hà Nội mùa nào phố cũng như sông” đầy chua chát.