Rác thải và nước cống

Trong những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng người dân được chứng kiến cảnh những đàn bò được nuôi bằng rác và những cánh đồng rau được chăm bón bằng nước thải từ cống rãnh.


Đó là những đàn bò hàng trăm con ở Thái Nguyên đã và đang ăn từ các loại rác sinh hoạt cho đến chất thải công nghiệp, rác thải y tế. Những thứ rác rưởi này chính là thức ăn vỗ béo cho đàn bò.

Còn trên những cánh đồng rau xanh mơn mởn của Bắc Ninh thì người trồng rau đang “vô tư” tận dụng nguồn nước thải dưới cống để chăm bón cho ruộng rau của họ. Như nhiều người nhìn nhận, những con bò ăn rác vẫn béo tốt và những ruộng rau tưới nước cống vẫn xanh ngăn ngắt và giá cả lại mềm hơn các vùng rau khác.

Tuy nhiên, thông tin này làm giật mình không biết bao nhiêu người, rằng không biết bản thân mình đã có lần nào đưa vào cơ thể loại thịt bò nhìn rất ngon được nuôi bằng rác thải hay là loại rau nhìn rất xanh được chăm bón bằng nước cống hay chưa? Sản phẩm thịt và rau từ hàng trăm con bò và hàng trăm ha rau xanh chắc hẳn là cần một lượng khách hàng không nhỏ để tiêu thụ. Không biết những ai đã vô tình tiêu thụ những sản phẩm này; và rằng, trong số các loại rau, thịt đang tồn tại trên thị trường hàng ngày thì đâu là những sản phẩm “đặc biệt” kia?

Một người nuôi bò tại bãi rác khe Đá Mài (Thái Nguyên) cho hay, bò khi đã quen ăn rác thì không còn muốn ăn cỏ hay các loại thức ăn nào khác; rằng nuôi bò bằng rác ít tốn kém, bò tăng trọng nhanh. Và theo cách hiểu của người nuôi, là do ở bãi rác phun nhiều thuốc sát trùng, thuốc diệt ruồi muỗi nên bò ăn rác ít bị dịch bệnh; nếu có bệnh thì chủ yếu là do kim tiêm hoặc sắt đâm vào dạ dày.


Như vậy là đã rõ, tất cả là nằm trong bài toán chi phí đầu vào sao cho thấp nhất để thu lợi nhuận cao nhất, những người nuôi bò đã bất chấp tất cả để sản xuất ra một loại thịt bò “vô tiền, khoáng hậu”. Bệnh do kim tiêm hoặc sắt đâm vào dạ dày đã là loại bệnh đặc trưng của những con bò được nuôi bằng rác.


Vậy thì sau những kim tiêm kia là gì? Liệu bò có bị nhiễm những căn bệnh như người không? Nhiều người lo ngại bò và thứ thịt bò rác này sẽ truyền những căn bệnh nan y cho người tiêu dùng. Những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với các loại rau xanh được chăm bón bằng nước cống.

Một chuyên gia về chăn nuôi đã nhận xét rằng, những con bò nuôi trong bãi rác rất có thể sẽ chứa nhiều chất độc hại, khi con người ăn những loại thịt bò này tác hại ra sao thì cũng chưa thể biết, có những bệnh mà rất lâu sau mới phát hiện được. Còn các chuyên gia về nông nghiệp thì cho rằng, các loại rau được tưới hay rửa bằng nước cống hay bị nhiễm khuẩn, giun sán, nhất là các loại rau ống hoặc rau bị dập nát.

Ở rất nhiều địa phương trong cả nước, nông dân đã nói đến và thực hiện tiêu chuẩn VietGap, Global Gap về chất lượng trồng trọt và chăn nuôi, nhưng ở ngay bên cạnh hai thành phố là Thái Nguyên và Bắc Ninh, những nông dân đang “sáng tạo”ra một qui trình nuôi trồng “độc nhất vô nhị” từ cổ kim đông tây để đưa ra những sản phẩm chỉ nghe qua cũng đã nổi da gà. Ấy vậy mà hàng ngày chúng vẫn được đưa vào thị trường để “phục vụ” người tiêu dùng.

Tính chất nguy hiểm của sự việc đã thấy rõ, vậy mà chính quyền những địa phương này vẫn không có biện pháp gì ngăn chặn việc nuôi trồng vừa phản khoa học vừa thiếu “đạo đức nghề nghiêp” này.

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN