Đến thời điểm này, đơn vị tổ chức trò chơi tập thể (team building) cho nhóm phụ nữ “cởi áo ngực múc nước” tại bãi biến Cửa Lò (Nghệ An) đã bị cơ quan quản lý văn hoá của địa phương xử phạt. Nhóm người tham gia trò chơi trên cũng bị triệu tập để làm rõ vi phạm của mình. Thậm chí, mạng xã hội còn lan truyền câu chuyện về một phụ nữ (được cho là) thành viên của” team building cởi áo ngực”, đã phải nhận sự bất bình của người thân trong gia đình. Các cá nhân, tập thể tổ chức và tham gia hoạt động này cũng bị “ném đá” rất dữ dội, cho rằng những hành vi phản cảm như vậy không nên được xuất hiện tại nơi công cộng.
Không phải tới nay, các trò chơi tập thể (còn gọi là team building) mới bị lên án bởi có những hành vi phản cảm. Nhiều cuộc họp lớp, nhiều chương trình vui chơi của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức… có hoạt động team building cũng từng có những hình ảnh khiến dư luận “dậy sóng”, như: Dập tắt ngọn nến bằng trái dưa chuột buộc từ thắt lưng thả xuống; hai người nam và nữ dùng hông ép nổ bóng bay; người nam uống bia trong bình sữa ép vào người phụ nữ…
Có một điểm chung của những trò chơi team building theo xu hướng này, đó là nhấn mạnh về những hình ảnh, hành vi có tính ám chỉ và những đụng chạm mang màu sắc giới tính. Với thói quen “tiếu lâm” theo kiểu đem những câu chuyện ẩn ý hoặc trực tiếp về quan hệ nam- nữ ra để mua vui, nhiều trò chơi, trò đùa mang màu sắc giới tính vẫn được áp dụng trong đời sống hàng ngày, thường xuyên đến nỗi đa số mọi người đều chấp nhận, hoặc phải chấp nhận. Thói quen ấy, khi được đẩy lên thành các trò chơi tập thể, sẽ cho ra những sản phẩm như những hoạt động team building phản cảm như vừa kể trên.
Có thể khi tổ chức, khi tham gia, và khi chứng kiến, nhiều cá nhân chỉ đơn thuần nghĩ đây là một sinh hoạt tập thể mang ý nghĩa giải trí. Tuy nhiên, cũng có những người cảm thấy không thoải mái khi phải chứng kiến, hoặc phải tham gia vào những trò chơi có hành động ám chỉ chuyện “tế nhị”. Và khi vượt khỏi không gian của sinh hoạt tập thể của một đơn vị, một nhóm người, thì những hình ảnh về trò chơi như vậy sẽ bị soi chiếu và phán xét dưới nhiều quan điểm khác nhau. Thậm chí, một số hình ảnh, clip khi bị đưa lên mạng xã hội, còn bị lợi dụng để bôi nhọ về đạo đức và nhân cách của cả một thế hệ.
Xét về bản chất, team building là hoạt động để các doanh nghiệp, công ty tổ chức với sự tham gia của các cá nhân, bộ phận, phòng ban nhằm gắn kết các nhân viên và xây dựng tinh thần đoàn kết. Gọi là “xây dựng đội nhóm” cho một trò chơi, nhưng là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông nội bộ của đơn vị, và phản ánh phần nào văn hóa doanh nghiệp của đơn vị, hay tổ chức đó.
Chính vì vậy, team building không đơn thuần là trò chơi hay những vận động cơ học đơn thuần. Hoạt động kết nối này đòi hỏi trình độ của người tổ chức, năng lực của người dẫn chương trình và thái độ của người tham gia. Điều quan trọng là cả người tổ chức, người dẫn dắt chương trình và người tham gia đều phải có sự bàn bạc, thống nhất thì mới có thể đề xuất, triển khai và thực hiện các hoạt động tập thể vừa đáp ứng mục tiêu kết nối, vừa thể hiện được đặc trưng lẫn “tầm vóc” của đơn vị.
Trong các đối tượng trên, yêu cầu với người tổ chức và dẫn dắt chương trình là rất quan trọng. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc cần chuẩn hóa các yêu cầu đối với các đơn vị, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, để team building dù ở quy mô nào cũng là những hoạt động tập thể vui vẻ, ý nghĩa, không xuất hiện những hình ảnh phản cảm và những ồn ào không đáng có.
Bên cạnh đó, người tham gia các team building ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người trưởng thành, cần có ý thức hơn nữa khi tham gia các hoạt động. Khi gặp phải những team building mang yếu tố phản cảm, thì sự tỉnh táo của chính người chơi cũng sẽ giúp họ có quyết định phù hợp, để quyết định tham gia hay từ chối, thậm chí phản đối nếu các hoạt động bị đẩy đi quá đà. Bởi team building không chỉ là trò chơi. Team building còn là nền tảng văn hóa của đơn vị tổ chức và của chính mỗi người tham gia.