Thảm đỏ và nhân tài

Vào dịp năm học mới, tại nhiều nơi trang trọng ở các tỉnh thành, và ngay tại chính đất Kinh kỳ - Thăng Long nghìn năm văn hiến lại diễn ra các lễ vinh danh những thủ khoa xuất sắc mới tốt nghiệp và những thủ khoa của kì thi đại học vừa rồi.

 

Năm nay là lần thứ 10 Hà Nội tổ chức lễ vinh danh. Dù vậy, theo thống kê, trong 10 năm qua, trong số gần 1.100 thủ khoa được Hà Nội vinh danh và “trải thảm đỏ”, chỉ có 1/10 về làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Hà Nội.


Điều này làm nhiều người thất vọng về nguồn lực chất lượng cao vẫn “dứt áo ra đi”, không ở lại.


Cũng gần đây, cụm từ “nhân tài” lại được “mổ xẻ” trong nhiều hội thảo, cảnh báo sự lo lắng của giới trí thức trước nguy cơ nhân tài đất Việt ngày một vắng bóng. Thường thì người ta chỉ thấy người tài tỏa sáng đôi chút rồi lịm dần theo thời gian, một số chạy khỏi cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, số khác tìm nơi phù hợp hơn để phát huy khả năng.


Đang thời điểm đất nước cần người dụng võ, vậy mà sở trường tài năng của không ít hạt giống thủ khoa vang tiếng một thời vẫn ẩn giấu nơi đâu, chưa thấy tinh hoa phát tiết?

 

Từ thực trạng, chúng ta trở lại những bất cập của đào tạo, sử dụng và đãi ngộ.


Về đào tạo, giáo dục của ta thiên về bằng cấp, chuộng lý thuyết, kém thực tiễn lại mắc bệnh thành tích. Nếu chúng ta đua nhau chạy theo bằng cấp thì chất lượng nguồn nhân lực rất kém. Kết quả: có “nhân” nhưng không có “tài”. Năm ngoái đã có nhiều ý kiến xung quanh việc Đà Nẵng, Nam Định không tuyển công chức có bằng đại học ngoài công lập. Thiết nghĩ đây cũng là chỉ báo cảnh tỉnh cho chúng ta thấy chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Có lẽ đây còn là sự công khai đầu tiên của việc “đào thải” đối với sản phẩm giáo dục mà từ trước đến nay ta ít gặp.


Về sử dụng, vẫn có bất cập. Người tài hay nói thẳng, không nịnh hót, đi bằng hai chân chứ không phải bằng “đầu gối”. Mà những đặc tính này, là nhân viên thôi cũng khó giữ chỗ chứ đừng nói chuyện thăng tiến. Đã có thời gian chúng ta rầm rộ trải thảm đỏ để đón nhân tài nhưng không thấy ai đặt chân lên? Người tài có vẻ dè dặt hơn khi bước chân vào môi trường dễ trì trệ, nặng về thủ tục hành chính.


Gần đây báo động tình trạng người có năng lực bỏ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ra làm ngoài, hoàn toàn không phải đồng lương, mà vì chính sách cán bộ không giữ được họ. Đáng lo hơn, người giỏi có xu hướng ở lại nước ngoài hoặc tìm cách xuất ngoại để làm việc. Chảy máu chất xám vẫn đang tiếp tục, âm ỉ nhưng quyết liệt vô cùng.


Về đãi ngộ, gồm cả vật chất, môi trường làm việc và tôn vinh con người. Nhân tài có giá của nhân tài, vậy mới phải chiêu hiền đãi sĩ. Nhưng thực tế, khi môi trường làm việc kém, lương thấp, lại dễ bị để ý, đố kị, thì làm sao hạt giống nhân tài có thể tỏa sáng được.


Trong cơ chế thị trường, cái gì cũng có giá, giá nhân tài không chỉ đơn thuần là vật chất, quan trọng là thái độ trọng thị và sử dụng.


Khi mà tâm sáng, tài đủ, đức cao thì thường thành công trong sử dụng nhân tài. Mấu chốt của thiếu vắng nhân tài hiện nay không phải do nhân dân, nhưng chẳng lẽ lại do khiếm khuyết cơ chế và chính sách?



Ngô Đồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN