Tháng Giêng không ‘ăn chơi’

Người Việt Nam có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” bởi sau Tết là thời điểm diễn ra các lễ hội ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Thế nhưng năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương đã chủ động dừng tổ chức các lễ hội đầu năm vừa để tránh làm điểm tụ tập đông người, vừa để tập trung công tác chống dịch.

Có thể nói, lễ hội là nét văn hoá truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam mà ở địa phương nào, vùng miền nào cũng có. Cứ mỗi sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội được tổ chức ở các địa phương, một phần để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, một phần để giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui… Thế nhưng, trước nguy cơ lây lan nhanh của dịch COVID-19 trong cộng đồng, việc tránh tập trung đông người và hạn chế di chuyển từ vùng này sang vùng khác là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.

“Chống dịch như chống giặc” là phương châm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặt ra trong thời điểm hiện nay, bởi chỉ có khống chế được dịch bệnh thì người dân cả nước mới được an toàn và đất nước mới có thể ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Bởi thế, ngay từ đêm Giao thừa Tết nguyên đán 2021, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã không tổ chức bắn pháo hoa để tránh tập trung đông người. Quyết định này không làm người dân thất vọng mà ngược lại còn nhận được sự đồng tình của nhân dân. Bởi, trong hoàn cảnh hiện nay, người dân cũng đã ý thức được rằng, việc huỷ bỏ một buổi bắn pháo hoa một mặt sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, một mặt tiết kiệm được một khoản kinh phí và phần kinh phí này các địa phương có thể dùng vào công tác chống dịch.

Hay mới đây, thành phố Hưng Yên đã tạm đóng cửa Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, trong khi Hà Nội cũng đã dừng tất cả hoạt động lễ hội Chùa Hương, lễ hội Gò Đống Đa... để phòng chống dịch COVID-19. Các lễ hội lớn của cả nước như khai hội chùa Bái Đính, Tam Chúc, khai hội xuân Yên Tử, khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng… cũng đã hủy hoặc không khai hội ngay trước thềm mùa lễ hội.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương nghiêm túc thực hiện quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành. Đồng thời, Bộ sẽ tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.

Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 3 ở Việt Nam đã mạnh hơn, với số ca mắc nhiều hơn và tốc độ lây lan nhanh hơn, đồng thời diễn ra trên nhiều tỉnh thành và khó truy vết hơn… do vậy, rất cần sự chung tay, đồng lòng của người dân trong công tác phòng chống dịch. Ngoài việc tránh tập trung đông người, hạn chế đến và tham gia các lễ hội, người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.

Bên cạnh đó, thời điểm sau Tết, khi người dân về các địa phương ăn Tết quay trở lại các thành phố lớn để làm việc, cần nghiêm túc khai báo y tế hoặc liên hệ, thông báo ngay cho chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế.

Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, cần sự chung tay, đồng lòng của các địa phương và người dân cả nước để “đánh bay” dịch bệnh COVID-19, như chúng ta đã từng chiến thắng ở hai đợt dịch bùng phát trước đây. Lễ hội không tổ chức năm nay thì có thể để sang năm chứ dịch bệnh COVID-19 thì không thể để kéo dài được!

Trong tâm thế cả nước cùng thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ra quân với khí thế làm việc sôi nổi; ở nhiều địa phương, người dân cũng đã xuống đồng sau ngày mồng 1 Tết… Tất cả để kỳ vọng một năm sản xuất kinh doanh hiệu quả và thắng lợi.

Ngay trong phiên họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết. 

Tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm… “Tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh Thuyết
Tín hiệu lạc quan đầu xuân
Tín hiệu lạc quan đầu xuân

Đất nước bước vào Xuân Tân Sửu 2021 với sự lạc quan, hứa hẹn một năm mới nhiều triển vọng và thành công: Trong tháng 1, vốn FDI chảy vào Việt Nam đã đạt con số trên 2 tỷ USD. Nếu tính riêng vốn FDI được đưa vào thực hiện, con số thực tế là 1,51 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN