Mùa thi THPT Quốc gia 2019, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với .050 phòng thi. Ngành giáo dục đã huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2%, nghĩa là gần 30% thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp phổ thông.
Tới giờ này, sự an toàn và nghiêm túc của kỳ thi đã được ghi nhận. Còn những vất vả, tốn kém về vật chất, sự căng thẳng của cả ngành giáo dục cũng như thí sinh và gia đình, vẫn là điều chưa đong đếm hết. Điều đó cho thấy công tác tổ chức của kỳ thi vẫn cần tiếp tục được đổi mới, để đạt được tất cả các mục tiêu.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia, còn phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thuộc về quyền tự chủ của các trường. Song song với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển, một số đại học, trường đại học xét tuyển học bạ 2019 để tuyển sinh đầu vào. Thống kê sơ bộ của các kênh tuyển sinh cho thấy có trên dưới 100 trường sử dụng hình thức xét tuyển học bạ. Có trường xét tuyển điểm của cả 3 năm học THPT hoặc tương đương, có trường xét điểm của 2 năm, cũng có trường chỉ xét tuyển đối với kết quả học tập của thí sinh ở năm lớp 12. Có trường xét học bạ để tuyển toàn bộ chỉ tiêu, có trường chỉ xét 50%, có trường 30%. Đa số các trường xét để tuyển thẳng thí sinh vào trường, và cũng có một số trường xét để duyệt vòng (tạm gọi là) sơ khảo, và tổ chức các hình thức kiểm tra thêm phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo, ví dụ các trường nghệ thuật, kiến trúc, báo chí…
Điều đáng mừng là không chỉ các trường dân lập, trường “top dưới” sử dụng hình thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh. Có những trường công lập, (trong đó bao gồm cả trường top đầu) cũng áp dụng hình thức xét tuyển này, như trường ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (điều kiện sơ tuyển), ĐH Hàng hải, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp…; các trường ĐH vùng, đại học địa phương, các trường/khoa/phân hiệu thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Kon Tum, và cả Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Việc các trường ĐH xét tuyển học bạ để tuyển sinh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy xu hướng tuyển sinh vào ĐH của Việt Nam đã bắt đầu bắt nhịp được với thế giới. Nhiều trường ĐH danh giá của Mỹ, Anh, Úc… từ lâu đã áp dụng hình thức tuyển sinh này, và chất lượng đào tạo, sản phẩm đào tạo của họ là các sinh viên ra trường, đều được đánh giá cao. Điều này cho thấy “đầu vào”, dù rất quan trọng, nhưng quá trình đào tạo và công tác kiểm định ở “đầu ra” trong dây chuyền giáo dục mới thực sự là yếu tố quyết định. Thêm vào đó, khi chỉ sử dụng hình thức xét học bạ, các trường ĐH đã thể hiện quyết tâm góp phần làm giảm bớt gánh nặng thi cử cho xã hội, tạo thêm cơ hội cho nhiều thí sinh được tiếp cận giáo dục bậc cao, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào quá trình phấn đấu của học sinh phổ thông cũng như công tác giảng dạy, quản lý giáo dục ở cấp phổ thông của các trường cấp III, các Sở giáo dục địa phương. Điều này cũng cho thấy chủ trương “tự chủ” của các trường ĐH đã ngày càng được phát huy ở khía cạnh thiết thực nhất cho người học và cho công tác quản lý.
Những ưu điểm của hình thức tuyển sinh dựa trên xét tuyển học bạ đã được nhìn nhận rõ. Nhiều gia đình thí sinh đã thực sự tìm thấy một “lối đi” nhẹ nhàng cho việc thi vào Đại học. Điều này cũng có giá trị động viên rất lớn, khích lệ tinh thần nỗ lực của học sinh phổ thông, động viên các em có kế hoạch phấn đấu suốt quá trình học cấp III. Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông đã bắt đầu cho những kế hoạch như vậy, ví dụ việc tập trung ôn luyện ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ quốc tế, trước quy định chứng chỉ này có thể giúp thí sinh không phải thi tốt nghiệp ngoại ngữ, và một số trường ĐH uy tín, ví dụ ĐH Ngoại thương, chính thức áp dụng phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập bậc phổ thông.
Tất nhiên, quy định nào cũng tồn tại những kẽ hở. Thực tế, giáo dục phổ thông trên toàn quốc còn chưa đạt được một mặt bằng chung. Còn khoảng cách giữa đồng bằng, thành thị với các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng còn những vấn đề như công tác thi, kiểm định chất lượng giáo dục chưa thực sự đảm bảo ở 100% các trường, các địa phương. Nhiều cá nhân “lo xa” còn tính ngay tới khả năng có sự “luồn lách”, để thí sinh có được bảng điểm, học bạ “đẹp”. Điều này không ai dám nói trước, bởi từ quá khứ, Bộ GD- ĐT cũng đã từng áp dụng rồi lại phải huỷ hình thức “tuyển thẳng” vào đại học với học sinh phổ thông có kết quả học tập xuất sắc.
Thực tế đó, một lần nữa đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý giáo dục. Phải làm gì, để kết quả học tập của mỗi trong số hàng triệu học sinh phổ thông trên toàn quốc được đảm bảo chính xác, chuẩn mực, nhằm tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh? Làm sao, để mỗi cuốn học bạ có thể chắc chắn phản ánh chính xác thực lực của thí sinh, như những chứng chỉ quốc tế? Giải được câu hỏi này, chắc chắn cần sự chuyển mình hơn nữa của cả hệ thống giáo dục, từ công tác giảng dạy, chấm điểm, kiểm định chất lượng… trong từng trường, từng địa phương; tới việc thay đổi các cách thức giảng dạy phổ thông, hướng tới cấp chứng chỉ cho mọi môn học, cấp học như cách mà nền giáo dục của nhiều nước tiên tiến đang áp dụng. Làm được như vậy, không chỉ bản thân việc thi cử của thí sinh trở nên nhẹ nhàng, mà bản thân quá trình học tập của các học sinh cũng sẽ được giảm tải. Mỗi gia đình, mỗi học sinh, mỗi thời điểm đều có thể lựa chọn hình thức, tốc độ, môi trường học tập (gồm cả học tại trường hoặc homeschooling) phù hợp. Việc học tập sẽ thật sự nhẹ nhàng, cũng như việc bước vào các cổng trường đại học sẽ không còn áp lực quá căng thẳng, mà thanh thản theo đúng năng lực và khả năng của mỗi thí sinh, mỗi gia đình.
Lộ trình cho việc “thanh thản vào đại học” đã và đang được ngành giáo dục khởi động, bắt đầu bằng những trường đại học đầu tiên xét tuyển trên kết quả học tập bậc phổ thông. Sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục chuyển đổi, đổi mới công tác thi và tuyển sinh, sao cho đạt được đích đến cuối cùng. Tất nhiên, trên hành trình đó, không chỉ cần sự tham gia của các giáo viên, các cơ sở giáo dục, mà còn cần ý thức của chính mỗi gia đình, phụ huynh và học sinh. Hãy hưởng ứng những chủ trương, những lộ trình tích cực bằng sự tin tưởng và trung thực, để ngành giáo dục yên tâm duy trì những ưu điểm của hình thức tuyển sinh này, tránh để xảy ra những biến tướng khiến những đổi mới tiến bộ không thể tiếp tục.