“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho công tác xây dựng Đảng. Điều này càng trở nên đúng đắn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là với những cán bộ, đảng viên thực thi quyền lực, làm công tác phòng, chống tham nhũng.
Thời gian qua, công cuộc đấu tranh và phòng chống, xử lý tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện ngày càng đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Nhiều biện pháp mạnh với những chế tài nghiêm khắc trong xử lý tham nhũng ở những lĩnh vực “dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực” được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Mới đây nhất, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 132-QĐ/TW (Quy định 132) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Như thế, cùng với Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc đấu tranh với tham nhũng sẽ có thêm một công cụ sắc bén trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, đấu tranh với “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”.
Theo quy định 132, việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (hoạt động tố tụng), thi hành án dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Quy định 132 cũng chỉ rõ 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án như: Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý; Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu huỷ chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.
Việc nhận quà dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tặng quà để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm… cũng là hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ.
Không chỉ điều chỉnh, có tác động tích cực đến hoạt động của hệ thống các cơ quan tố tụng, thi hành án, Quy định 132 còn có tác động trực tiếp đến việc hành nghề, hoạt động của các luật sư. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự cũng sẽ vị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quy định này cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực mà không áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hoặc không kịp thời báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Với những quy định cụ thể, chi tiết, Quy định 132 sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp cũng như trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung. Bởi khi giải quyết các vụ án, vụ việc, trong đó có các vụ án tham nhũng, thì các cơ quan, cán bộ tư pháp cũng chính là những cơ quan, cá nhân chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì cán bộ đi (làm công tác) chống tham nhũng phải sạch, phải liêm chính, phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.
Những quy định này cũng sẽ góp phần xây dựng bộ máy hoạt động tố tụng trong sạch; ngăn ngừa từ sớm, từ xa tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở nơi thực thi công lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp cũng nhìn vào đó để răn mình, tự soi, tự sửa, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Trong đó, việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại toà án; thi hành bản án… đều phải được thực hiện công khai, khách quan, minh bạch. Chỉ khi thực thi công lý với “tâm sáng, lòng trong” thì cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mới xứng đáng với niềm tin của người dân, xứng đáng là người bảo vệ cán cân công lý.