Trong nhiều ngày qua, liên tục có những thông tin không vui liên quan đến bóng đá Việt Nam: Văn Quyến - niềm tự hào một thời của bóng đá nước nhà đã bị đội bóng quê hương chấm dứt hợp đồng.
Hàng loạt cầu thủ của một số CLB ở V.League cũng như hạng nhất quốc gia đứng trước nguy cơ bị mất việc khi các doanh nghiệp (là “bầu sữa” của các CLB) tuyên bố bỏ cuộc chơi. Mùa bóng 2013 chưa thể ấn định ngày khởi tranh bởi số CLB đăng ký tham dự nhỏ giọt... Một sự thật không thể phủ nhận: Bóng đá Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng. Những lo ngại đến một thời điểm quả “bong bóng” của bóng đá Việt Nam sẽ xì hơi đang hiện hữu, khi mà những bất cập, những phi lý trong guồng quay bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua bị xem nhẹ.
Kể từ khi bóng đá Việt Nam bước sang chuyên nghiệp (2001), có một nghịch lý luôn tồn tại là: Hiệu quả xã hội của bóng đá quá thấp, nhưng lại nhận được sự ưu ái, đầu tư quá lớn. Sân vận động trống vắng khán giả, và bóng đá vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả, yêu cầu của sự phát triển, nhưng đời sống của giới cầu thủ lại quá sung túc, thu nhập của cầu thủ, của những người làm bóng đá lại cao hơn hẳn mức thu nhập bình quân của xã hội. Chưa kể, lương cầu thủ ở V.League cao hơn hẳn lương cầu thủ ở một số nền bóng đá trong khu vực, thế nhưng họ không thi đấu hết mình, không ít cầu thủ còn dính đến tiêu cực trong sân cỏ, trong lối sống...
Không mấy ngạc nhiên khi kết thúc mùa giải 2012 đã không thấy bất cứ động thái nào về chuyển nhượng cầu thủ. Cửa hầu hết các CLB đều ''khép hờ'' chứ không mở toang để tranh giành những bản hợp đồng đắt giá như những mùa giải trước. Hai đội bóng từng khuấy đảo thị trường chuyển nhượng V.League trong những mùa bóng trước là Sài Gòn Xuân Thành và N.Sài Gòn đều chưa có kế hoạch bổ sung lực lượng. Thậm chí, hàng loạt trụ cột sắp hết hợp đồng ở hai đội bóng này cũng chưa có thông tin gì về kế hoạch tái ký hợp đồng.
Các cầu thủ V.Ninh Bình cũng đang đứng trước sự bất ổn khi ông chủ của CLB tuyên bố giải thể đội bóng. Hai CLB giàu thành tích cũng như tiềm lực tài chính là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cũng chỉ tập trung vào việc gia hạn hợp đồng với những cầu thủ hiện có, chứ chưa đả động đến những hợp đồng mới. Đến cầu thủ ''hot'' như Nguyễn Trọng Hoàng đã hết hợp đồng với đội bóng xứ Nghệ, cũng chẳng thấy CLB nào đánh tiếng để có được chữ ký của anh. Rõ ràng, giá trị ảo của đội bóng, của cầu thủ, giá trị chuyển nhượng rồi tiền lương, tiền thưởng… không thể tiếp tục ảo thêm được nữa, mà đến lúc phải quay về giá trị thực.
Có nhiều nhận định rằng, bóng đá Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục khó khăn khi các doanh nghiệp không còn mặn mà với bóng đá. Suy cho cùng, đó cũng là hậu quả mà bóng đá Việt Nam phải gánh chịu sau một thời gian dài phát triển quá "nóng" với những giá trị ảo. Không thể khác, bóng đá Việt Nam cần phải nhìn rõ bản chất và giá trị thực của nó. Sự thật dù có phũ phàng đến mấy, thì vẫn phải dũng cảm nhìn nhận, để mà sửa chữa, để mà làm lại. Đã đến lúc phải có lời cáo chung cho những giá trị ảo; hay nói cách khác, cần phải tuyên chiến với những phỉnh nịnh đang gặm nhấm, cản trở sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Yến Nhi