Tháng 5 vừa qua, bà Tawainna Anderson, sống tại Pennsylvania (Mỹ), đã khởi kiện TikTok cho rằng cô con gái 10 tuổi của bà tử vong vì thực hiện một thử thách đáng sợ trên mạng chia sẻ video đình đám này. Theo bà Anderson, bé Nylah đã tham gia "Thử thách ngạt thở" (Black-out challenge), yêu cầu người chơi tự gây ngạt mình để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời và khi tỉnh lại, họ sẽ chia sẻ video lên nền tảng. Nylah được phát hiện nằm bất động trong phòng ngủ ngày 7/12/2021 và được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó 5 ngày.
Đây chỉ là một trong rất nhiều thử thách nguy hiểm, độc hại (toxic) từng trở thành “trend” (xu hướng) trên TikTok, thu hút một lượng lớn người dùng tham gia trải nghiệm và không ít người đã gánh hậu quả. Có thể kể đến nhiều trào lưu nguy hại từng lan truyền trên TikTok, như “Teeth Filing Challenge” (“Mài răng” – dùng dũa móng tay mài răng), “Benadryl Challenge” (uống nhiều thuốc dị ứng để tạo ảo giác), “Penny Challenge” (cắm hờ sạc điện thoại vào ổ điện, sau đó thả đồng xu vào khe hở để tạo tia lửa). Năm ngoái, Tiktok cũng phải xoá một thử thách tai tiếng khác là “Milkcrate challenge”, từng khiến nhiều người ngã chấn thương khi cố trèo lên các thùng sữa xếp theo hình kim tự tháp.
Là mạng xã hội non trẻ đang phát triển như vũ bão khắp thế giới, lấn lướt cả các mạng “đàn anh” như Facebook, Instagram, không thể phủ nhận TikTok sở hữu nhiều lợi thế với những video ngắn, nền nhạc sôi động, mở ra nhiều xu hướng trẻ trung, cuốn hút, dễ thực hiện. TikTok cũng đã lan toả nhiều video cổ vũ lối sống lành mạnh tích cực trên nhiều lĩnh vực như thời trang, làm đẹp, giải trí, giáo dục, ẩm thực…
Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội này cũng là nơi lan truyền những nội dung độc hại, không chỉ gây nguy hiểm tới sức khoẻ thể chất như đã nêu trên, mà còn tác động xấu tới nhận thức, lối sống của người dùng, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên, vốn là lực lượng “fan cứng” đông đảo của TikTok. Những trào lưu như “Nake Challenge” (thử thách khoả thân), “lắc hông”, “vạch áo khoe ngực”, “sex joke” (đùa liên quan đến tình dục) không còn dừng lại ở sự vui đùa, mà có thể cổ suý cho lối sống phóng túng, phản cảm, rất nguy hại với người dùng trẻ.
Theo thống kê, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. TikTok giúp cho nhiều bạn trẻ dễ dàng nổi tiếng “sau một đêm”, có thu nhập “khủng” từ việc sản xuất nội dung. Đây cũng là nguyên nhân khiến mạng xã hội này thu hút một bộ phận giới trẻ lao vào làm nội dung để câu view bằng mọi giá bằng những hình ảnh lệch lạc, phát ngôn “gây sốc”, phản cảm. Những nội dung đó có thể khởi xướng “trend” mới, lôi kéo lượng lớn người tham gia rất nhanh
Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, các em ở độ tuổi học sinh rất có thể bị rơi vào “mê trận” của những video “bẩn” không được sàng lọc. Không khó khăn để tìm thấy những video có nội dung “người lớn” trên TikTok. Đó là những clip mà người đăng tải cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu khêu gợi, gợi dục, và điều nguy hiểm là tác giả của chúng có khi là những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Bị tiêm nhiễm bởi những thứ độc hại, chính các em đã bắt chước và có nguy cơ tự gây hại cho mình trước tội phạm tình dục. Không ít TikToker còn mượn mác “giải phóng phụ nữ” để tung ra các video khoe thân, khiến giới trẻ có suy nghĩ lệch lạc về “nữ quyền”, về “cái đẹp”.
TikTok cũng là nơi giới trẻ dễ dàng “học” nhiều chiêu trò gian lận. Còn nhớ trong thời kỳ giãn cách do COVID-19, một TikToker có đến 1 triệu người theo dõi đã đăng tải video hướng dẫn học sinh cách gian lận khi học online, như che camera mà giáo viên không biết, giới thiệu trang web chỉ cần dán đề bài là có ngay đáp án. Những nội dung như vậy càng gieo rắc cho học sinh tâm lý lười biếng, gian lận. Gần đây, một “hot TikToker” nổi tiếng với 9 triệu người theo dõi cũng là người khởi xướng tại nước ta “trend” kéo tấm che cửa sổ máy bay để “săn mây” - một hành động bị cảnh báo là nguy hiểm với an toàn bay. Những hành vi vô lối như quay video TikTok trên đường băng, ngồi trên băng chuyền hành lý sân bay… vấp phải phản ứng từ cộng đồng nhưng lại khiến không ít bạn trẻ “chơi” TikTok thích thú.
Tất nhiên, những nội dung độc hại vẫn bị để lọt trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác, không riêng gì TikTok, nhưng điều cần lưu ý ở đây là kiểu video ngắn trên TikTok dễ dàng lan truyền với tốc độ khủng khiếp và nhắm chủ yếu đến nhóm người dùng trẻ. Theo báo cáo tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok vào cuối năm 2021, mạng xã hội này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại... Tuy nhiên, không ít trào lưu độc hại vẫn đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được. Mà một khi không kiểm soát được, thì trẻ em là nhóm đối tượng gặp nguy hiểm đầu tiên. Ở lứa tuổi này, các em chưa có sự phát triển nhận thức đúng đắn, dễ tiếp thu cái mới, vui lạ, và thích khẳng định mình. Trong khi đó, những clip trên TikTok thì có đầy đủ các tiêu chuẩn để cuốn hút và gây ảnh hưởng tới các em – video tích cực, sẽ tạo ra phản ứng tích cực, mà độc hại thì cũng kích thích phản ứng độc hại.
Việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có mạng xã hội như TikTok là điều gây đau đầu ngay cả ở các cường quốc như Mỹ hay các nước châu Âu. Hệ thống pháp luật của nước ta cũng đã có những quy định quản lý nội dung các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp được với tốc độ phát triển vũ bão của các nền tảng này.
Trong khi các công cụ ngăn chặn, kiểm duyệt từ phía cơ quan chức năng và nhà phát triển ứng dụng còn để lọt nhiều khe hở, thì trước hết mỗi gia đình cần trang bị những công cụ bảo vệ một cách tích cực với con em mình. Vai trò của các bậc phụ huynh và người giám hộ là vô cùng quan trọng để hướng các em đến một không gian mạng lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích.
Một thực tế đáng ngại là các vị phụ huynh thường muốn “yên thân” bằng cách cho trẻ em sớm dùng smartphone. Thế giới ảo đó mở ra trước mắt các em những gì có khi bố mẹ không hề hay biết, và chỉ sực tỉnh khi đã muộn, khi tâm hồn trong sáng của em đã bị nhiễm độc.
Làm người bạn của con, cho con cơ hội để tận hưởng cuộc sống lành mạnh bằng các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí bổ ích, không để các em chìm đắm trong thế giới mạng, không để các em bị đầu độc bởi các nội dung độc hại trên trên mạng xã hội, luôn là biện pháp phòng vệ tích cực nhất.