Dù đối tượng tung tin giả thật sự có dụng ý xấu (nhằm vào đối tượng, sự việc cụ thể), hoặc chỉ muốn thông qua đó thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, câu view, câu like… thì những thông tin họ đưa ra vẫn làm “méo mó” nhận thức của một bộ phận trong xã hội.
Khi tung tin giả và nhận được sự “hưởng ứng” của cộng đồng, dư luận… đồng nghĩa với việc đối tượng tung tin giả đã dẫn dắt dư luận theo hướng sai lệch, làm người ta tin vào những điều mình xuyên tạc, dàn dựng, bóp méo… và suy luận theo cách mình muốn; từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Từ việc làm giảm, mất uy tín, danh dự; ảnh hưởng tới cuộc sống, gia đình, người thân của một cá nhân; đến việc ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn xã hội. Thậm chí ảnh hướng tới lòng tin của người dân với luật pháp, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…
Hơn 10 năm đã qua đi, nhưng liệu ký ức về những ngày lao đao, khốn đốn vì tin thất thiệt ăn bưởi gây ung thư (năm 2007) của người dân trồng bưởi Tiền Giang đã phai đi? Ngay sau khi nhiều tờ báo, trang mạng đưa tin ăn bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú; người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay loại trái cây vốn được ưa chuộng này. Bưởi chín đầy vườn, chất đầy kho không có ai mua, có bán được cũng bị ép xuống giá sát đáy. Sản xuất đình trệ, cuộc sống của người nông dân khốn đốn...
Theo thống kê của tỉnh Tiền Giang, chỉ trong vòng hơn một tháng sau khi tin thất thiệt này được tung ra, người nông dân trồng bưởi đã "kịp" thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Riêng vùng chuyên canh hơn 1.000 ha bưởi lông Cổ Cò của huyện Cái Bè đã mất hơn 50 tỷ đồng, do giá bưởi đặc sản này có lúc xuống còn 1.000 đồng/kg, trong khi bình thường từ 8.000-10.000 đồng/kg.
Bốn cơ quan báo chí, trang mạng đưa tin ở thời điểm đó (trong đó có cả cơ quan báo chí nổi tiếng và có uy tín trong làng báo) đã bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt tổng cộng 54 triệu đồng. Thông tin được đính chính. Nhưng trở lại, thì số tiền phạt này thấm vào đâu so với thiệt hại mà họ gây ra cho người nông dân trồng bưởi, và những tháng ngày “ác mộng” của các thủ phủ bưởi miền Nam cũng không gì có thể bù đắp được!
Việc tung tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi mới đây của một facebook khiến dư luận hoang mang, tẩy chay thịt lợn, ảnh hưởng tới chăn nuôi của người nông dân. Hay việc giả mạo trang facebook của Ban Tuyên giáo Trung ương để đưa ra những thông tin, chỉ đạo giả, lèo lái dư luận một cách có chủ đích trong vấn đề tiêu chuẩn nước mắm đang được bàn thảo… cũng đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng tương tự; khiến nhiều người hoảng loạn, mất phương hướng trong cuộc sống, hay mất lòng tin vào những chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng là những thông tin giả, chuyện xe biển xanh cả dàn cuối cùng chỉ là… xe ô tô đồ chơi chụp dưới gầm bàn; hay thông tin cảnh báo buôn bán nội tạng người, bắt cóc trẻ con táo tợn… ở thời điểm được tung ra đều khiến nhiều người hoang mang, một bộ phận xã hội náo loạn, lo sợ, mất lòng tin… Đồng thời khiến người dân có cái nhìn thiếu tích cực, thậm chí đen tối, âm u về môi trường xã hội, môi trường chính trị… không hướng được tới những điều tốt đẹp, sự lạc quan trong cuộc sống.
Việc mất lòng tin, mất định hướng trong cuộc sống vì tin giả có lẽ là hậu quả rõ nhất, nặng nề nhất mà "fake news" gây ra. Với sự phát triển của mạng xã hội, của các thông tin thần tốc và nhiều như “nấm sau mưa” hiện nay, cùng với việc thông tin dàn dựng ngày càng nhiều, thật giả lẫn lộn… thì việc người đọc phải có “bộ lọc” tốt để có thể giữ được chính kiến cá nhân mình, có những phán đoán đúng… không hề đơn giản. Dư luận dễ bị lôi kéo, người ta vốn nhạy cảm và dễ bị tác động bởi những thông tin liên quan đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của mình… bởi đó là những nỗi lo sợ cố hữu trong lòng họ… Và đây cũng là thông tin được những kẻ tung tin giả chọn để khai thác nhiều nhất.
Chính bởi vậy, đã dẫn tới hai chiều hướng. Một là dễ dàng tin và mù quáng tin vào bất cứ thông tin tiêu cực, “trái chiều” nào được đưa ra, rồi vô tình thành công cụ để lan truyền bằng cách share thông tin, tham gia bàn luận, phán xét. Hai là không còn tin vào bất cứ điều gì, dù tích cực, tiêu cực… bởi đã bị bào mòn lòng tin khi chứng kiến những hậu quả, ảnh hưởng của tin giả khi bị phanh phui.
Rất nhiều sự cảnh báo đã được các chuyên gia, các nhà tâm lý học đưa ra, về lo ngại sự xuống cấp đạo đức của một số đối tượng thiếu ý thức khi tạo dựng và lan truyền tin giả (kể cả người tung tin đồn lẫn người tin vào nó và lan truyền nó), cũng như sự quan ngại về việc sụp đổ niềm tin của cộng đồng trước “ma trận” thông tin thất thiệt; do thiếu định hướng.
Trong một “mạng nhện” của lòng tin chông chênh như vậy, cùng với việc cần một sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc, công tâm các đối tượng tung tin đồn; khiến tin đồn, tin giả không có “đất” phát triển; thì điều rất quan trọng là khi tham gia, sử dụng mạng xã hội, mỗi cá nhân phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng ở việc hình thành một “bộ lọc” khi tiếp nhận một thông tin bất kỳ. Có như vậy, mới tránh việc mình bị nhiễm những thông tin giả mạo, trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi trên nước mắt, sự khổ sở của người khác; đồng thời tự mình bào mòn lòng tin của mình trong cuộc sống…