Lịch sử đã có nhiều cuộc cách mạng làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, thậm chí làm xoay chuyển lịch sử phát triển của cả nhân loại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một cuộc cách mạng làm thay đổi số phận của cả dân tộc ta; biến mỗi người dân từ thân phận “vong quốc nô” trở thành người làm chủ đất nước. Cách mạng Tháng Tám đã xoá bỏ chế độ phong kiến thực dân để xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân của dân, do dân và vì dân.
Trong lịch sử thế giới, nhiều cuộc cách mạng làm thay đổi chế độ đã diễn ra trong máu lửa, nhân loại đã chứng kiến nhiều dòng họ vua chúa bị lên đoạn đầu đài hoặc bị lưu đày. Nhưng cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng khởi nghĩa của toàn dân để giành chính quyền hầu như không có đổ máu.
Ngay sau khi cách mạng thành công, hai vị cố vấn của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh không phải là những đồng chí từng nằm gai nếm mật trong rừng sâu Việt bắc hay những đồng chí từng bôn ba hải ngoại cùng Người mà lại là cựu hoàng Bảo Đại và giám mục Lê Hữu Từ. Cựu hoàng Bảo Đại – công dân Vĩnh Thụy còn là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam mới. Trong Chính phủ Hồ Chí Minh không phải tất cả đều là những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng, những chiến sĩ cộng sản, mà còn có những vị thượng thư, quan đại thần của chính quyền cũ cùng với một số trí thức, nhân sĩ đại diện cho khối đại đoàn kết và lòng yêu nước của toàn dân tộc. Lịch sử cũng ghi nhận một sự kiện đáng lưu ý là sau khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Người đến thăm hỏi và tặng quà cho bà Nam Phương, vợ Bảo Đại, bà Từ Cung mẹ Bảo Đại và bà Thành Thái, bà Duy Tân.
Những sự kiện ấy không chỉ thể hiện tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn thể hiện tinh thần khoan dung cao cả của Người và của Cách mạng tháng Tám.
Tinh thần đại đoàn kết và khoan dung đó là kết tinh của tư tưởng “ Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc ta từ muôn đời được nâng tầm trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong tầm vóc của Cách mạng tháng Tám, mở đường cho nhiều người trong hoàng tộc, trong bộ máy chính quyền cũ lên đường theo cách mạng để trở thành những cán bộ ưu tú trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó có nhiều người đã cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ mới và anh dũng hy sinh. Tinh thần đại đoàn kết và khoan dung đã thể hiện sức mạnh vô song qua cuộc kháng chiến toàn quốc diễn ra hơn một năm sau Cách mạng tháng Tám, mở lối cho cuộc “lên đường” vào chiến khu hoặc ra mặt trận của nhiều tên tuổi lớn như các cụ Phan Kế Toại, cựu khâm sai đại thần, cụ Phạm Khắc Hòe, cựu đổng lý ngự tiền của vua Bảo Đại; các cựu thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Phan Anh và cựu Tổng đốc Vi Văn Định cùng “vua Mông” Vương Chí Sình…và nhiều nhân sĩ, trí thức lớn như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Hồ Đắc Di. Trong số đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng như cụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố, luật sư Lê Đình Chi, luật sư Dương Minh Châu… Tinh thần đại đoàn kết và khoan dung của Cách mạng tháng Tám đã mở ra một không gian rộng lớn cho họ đem tài năng phụng sự Tổ quốc, làm cho tên tuổi của họ thêm tỏa sáng bởi lòng yêu nuớc và trách nhiệm công dân và được mãi mãi ghi vào lịch sử.
Tinh thần đoàn kết và khoan dung, trải qua 64 năm kể từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, đã thật sự làm nên sức mạnh vô cùng to lớn để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi như ngày nay và tạo nên một giá trị nhân văn cao cả đậm nét Việt Nam.
Tinh thần đó như suối nguồn chảy mãi…
Nguyễn Quang Vinh