Những ngày tháng 6 này, đường phố Ai Cập tràn ngập “hơi nóng”. Song, đây không phải chỉ là nắng nóng do thời tiết mà là cái “nóng” của lòng người.
Khi “tuần trăng mật” qua đi, người dân Ai Cập bắt đầu nếm trái đắng của hậu cách mạng. |
Cũng như một năm trước đây, người dân xứ kim tự tháp lại xuống đường bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề quốc gia đại sự. Song,nếu năm ngoái, họ xuống đường ủng hộ Tổng thống đắc cử Mohamed Morsi, bày tỏ niềm vui sướng về một bước chuyển trong đời sống chính trị của đất nước thì hiện nay, họ xuống đường để đòi ông từ chức và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Dường như “bình yên” vẫn là hai từ quá xa vời với người dân Ai Cập, dù cái gọi là “Mùa Xuân Arập” đã lùi xa hơn hai năm.
Một năm trước, bao trùm đất nước Ai Cập là một bầu không khí mới mẻ khi lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ sống trong chế độ cũ, người dân được tự do đến các điểm bỏ phiếu để bầu chọn một vị tổng thống dân sự đầu tiên và đánh dấu sự ra đời của chính phủ dân chủ. Vào thời điểm đó, “Mùa Xuân Arập” tràn qua Trung Đông - Bắc Phi với chặng dừng chân tại Ai Cập được tung hô như một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ cũ và thổi luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước. Và tổng tuyển cử được tổ chức sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất được coi là một thành quả của cái gọi là “cuộc cách mạng” đó.
Song, một năm sau, khi “tuần trăng mật” qua đi, người dân Ai Cập bắt đầu nếm trái đắng của hậu cách mạng và thành quả lúc này đã trở thành hậu quả. Ai Cập giờ đây là một bức tranh màu xám với những nét vẽ u tối là một bản Hiến pháp mới gây chia rẽ sâu sắc, một nền kinh tế đang bị suy thoái, một nhà nước ngày càng rối loạn, một xã hội dân sự bị đe dọa, một chương trình nghị sự lập pháp gây quá nhiều phẫn nộ. Sự nghi kỵ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong nước đã khiến chính phủ non trẻ của Tổng thống Morsi gặp không ít khó khăn trong điều hành đất nước. Chưa kịp vận hành, nội các Ai Cập đã phải tiến hành cải tổ. Kinh tế chưa thể phục hồi, đời sống của người dân chưa thể được cải thiện âu cũng là điều dễ hiểu. Và đáng lo ngại hơn cả, đó là niềm tin bị sụp đổ kéo theo đất nước bị phân hóa hơn bao giờ hết trong khi các đảng phái và lực lượng ủng hộ của họ ngày càng tỏ ra cực đoan và không muốn thỏa hiệp. Những dòng người lại tiếp nối nhau đổ xuống đường. Nhưng thay vì ủng hộ Morsi và chính phủ như một năm về trước, giờ đây khi thực tế không được như kỳ vọng, họ lại muốn tiến hành một cuộc “thay máu” mới, tái diễn kịch bản “Mùa Xuân Arập” cáo chung chế độ Mubarak. Và thật trớ trêu và chua xót, ngày 30/6 tới - ngày đánh dấu tròn một năm Tổng thống Morsi nhậm chức - đã được các phe phái đối lập chọn là ngày “tổng khởi nghĩa”.
Đánh giá về tình hình Ai Cập, giới phân tích đã đưa ra nhiều kịch bản, song tất cả đều chung một mẫu số, đó là quốc gia Bắc Phi này sẽ bị nhấn chìm trong một vòng xoáy bất ổn và có thể “rơi vào một đường hầm đen tối của nội chiến, sự giết chóc và xung đột bè phái” - như cách nói đầy hình tượng của Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi. Đây cũng là lời cảnh báo cho những chế độ non trẻ ra đời sau “Mùa Xuân Arập”.
Phương Hồ