Các đại biểu tham dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ”Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tiếp theo Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức ngày 29/ 4/ 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Hội nghị lần này với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, người đứng đầu Chính phủ cho thấy quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Có rất nhiều nội dung, vấn đề được nêu ra và trao đổi thẳng thắn trong Hội nghị; nhiều khúc mắc, kiến nghị cụ thể được phản ánh; nhưng điều phấn khởi là có một tinh thần, một luồng không khí mới toát lên qua Hội nghị; đó là: Không phải chỉ có Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp mà còn là doanh nghiệp cũng đồng hành cùng Chính phủ; không phải chỉ có Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ hành động mà các ngành, các địa phương và người đứng đầu các ngành, các địa phương cùng hành động.
Lâu nay, nói đến Chính phủ hay cơ quan công quyền đối thoại với doanh nghiệp, người ta chỉ nghĩ đến việc doanh nghiệp phản ánh, kêu ca, kiến nghị; còn cơ quan Nhà nước lắng nghe, ghi nhận và giải quyết. Lần này, tất nhiên Chính phủ tiếp tục lắng nghe doanh nghiệp, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nhưng khác với cách chủ yếu là “đối thoại một chiều” như lâu nay, Hội nghị còn thể hiện trách nhiệm cao của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Đơn cử, bên cạnh việc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, cam kết trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, cam kết năm nay là “năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”; đặc biệt là kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh chính địa bàn của mình chứ không phải chỉ trông chờ vào Nhà nước. Nếu trước đây, chúng ta vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì nay phải chuyển thành “Hàng Việt Nam phải chinh phục thị trường Việt Nam”. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cuộc đối thoại như thế là một sự đối thoại sòng phẳng và bình đẳng. Sự bình đẳng đó cho thấy Hội nghị không mang tính hình thức mà đi vào thực chất, không phải chỉ có Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà bản thân doanh nghiệp cũng phải đóng góp xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và xác định được trách nhiệm của mình. Cũng như khi đề cập đến vấn đề chi phí “bôi trơn”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân thẳng thắn thừa nhận: Điều đó không phải chỉ lỗi từ một phía mà còn vì một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên tìm cách cạnh tranh không lành mạnh bằng quan hệ, đi đêm…
Có đối thoại bình đẳng, thực chất thì mới biết, mới hiểu, mới nắm bắt được bản chất vấn đề và giải quyết những khó khăn, vướng mắc một cách thấu tình đạt lý và hiệu quả, bền vững. Nếu không, sẽ chỉ là sự chữa cháy, giải quyết tình huống một cách thụ động.
Tuy nhiên, đối thoại chỉ phương pháp chứ không phải là mục đích. Muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững thì cần đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất. Sự đồng hành ấy, bên cạnh thấu hiểu những khó khăn, nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp còn cần phải chuyển hóa thành hành động. Và trên thực tế, Chính phủ đã có những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Sau Hội nghị lần thứ nhất tháng 4/ 2016, lắng nghe các kiến nghị và góp ý của doanh nghiệp, đến nay, 850 trong số hơn 1.500 kiến nghị đã được xử lý, trả lời và giải quyết; điều đáng chú ý là 4.500 thủ tục không hợp lý đã được bãi bỏ. Còn tại buổi đối thoại sáng nay, lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và cam kết khẳng định tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đặc biệt, thông báo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc ngay sau Hội nghị ban hành chỉ thị số 20 trong đó có nội dung “không được tiến hành thanh tra, kiểm tra 1 năm quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm không được mở rộng” đã làm nức lòng cộng đồng doanh nhiệp. Vấn đề then chốt ở đây không phải chỉ là gỡ bỏ một khó khăn khó nói của doanh nghiệp trước tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chất, tạo áp lực và mất thời gian của doanh nghiệp mà quan trọng hơn, là quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ: Lời nói đi đôi với việc làm của một Chính phủ Liêm chính, Kiến tạo, Phục vụ và Hành động.
Dĩ nhiên, chỉ sự đồng hành và hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thôi thì chưa đủ. Quyết tâm đó cần phải chuyển thành sự đồng thuận và hành động của các Bộ, Ngành, Bộ trưởng, Trưởng ngành, của các địa phương và người đứng đầu mỗi địa phương để cuối cùng “từng công chức, từng viên chức trong bộ máy Nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp” như mong muốn và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì cuộc đối thoại mới có hiệu quả.
Vẫn biết, phía trước các doanh nghiệp là không ít khó khăn cả từ nội tại và khách quan trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường. Nhưng, với quyết tâm cao của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ; với nhận thức và cam kết của các ngành, các địa phương; đặc biệt với bước chuyển hóa từ lượng thành chất, tiến từ Đối thoại tới Hành động tại “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp” lần này, chúng ta hoàn toàn hy vọng và tin tưởng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển trong một môi trường lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.