Theo Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành toàn diện ở các vị trí chủ chốt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác động lan tỏa tới mọi ngành, lĩnh vực, vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ phần nào thể hiện mức độ hài lòng của cử tri đối với không chỉ cá nhân “tư lệnh ngành”, mà còn là thước đo hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực nói chung, chỉ ra những ngành nào còn có những hạn chế, tồn tại, thậm chí là những điểm nghẽn gây bức xúc đối với cử tri.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng thể hiện sự thống nhất, nghiêm túc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Trước đó, hồi tháng 5/2023, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, khách quan và công tâm.
Trên thực tế, qua nửa nhiệm kỳ, đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại, ghi nhận và soi xét quá trình công tác, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chương trình hành động đã cam kết với cử tri của người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm, trước hết thể hiện trách nhiệm và quyền giám sát của Quốc hội và cử tri đối người giữ chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Trong trường hợp tín nhiệm thấp, thì tùy mức độ mà xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm…
Ở đây, việc tự soi, tự sửa từ việc lấy phiếu tín nhiệm là rất quan trọng. Thực tế có những công việc mà cá nhân người đứng đầu tự đánh giá là đạt, nhưng qua góc nhìn của cử tri, của đại biểu Quốc hội thì lại không hoàn toàn như vậy, hoặc đặt trong bối cảnh tình hình mới thì mức độ hoàn thành công việc vẫn chưa đạt yêu cầu... Do vậy, lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để người cán bộ biết mình đang ở đâu, ngành mình đang có những điểm nghẽn nào, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu, tháo gỡ vướng mắc.
Với cá nhân, có hai “cái bẫy” cần tránh từ việc lấy phiếu tín nhiệm. Thứ nhất, đừng để rơi vào tâm lý sợ sai không dám làm, làm cầm chừng, nảy sinh tư duy nhiệm kỳ. Thứ hai, dù được tín nhiệm cao cũng không vì thế mà sa vào chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với kết quả công tác. Lấy phiếu tín nhiệm cần thiết phải là động lực thúc đẩy cá nhân tự soi, tự sửa, phát huy năng lực công tác và tìm giải pháp cho những hạn chế của ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.
Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 với các “đại án” liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương (vụ án Việt Á, vụ án “chuyến bay giải cứu”) và hiện phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ tình hình phức tạp của thế giới tác động vào, có thể thấy nhiều “tư lệnh ngành” đang ngồi trên ghế nóng. Đó không chỉ là ngành y tế, ngoại giao, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, mà còn là giáo dục, văn hóa, tài nguyên và môi trường… Do vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm càng đòi hỏi một góc nhìn khách quan, toàn diện, công tâm.
Mỗi lá phiếu đều thể hiện sự giám sát, đánh giá, mong mỏi của cử tri thông qua người đại diện của mình là đại biểu Quốc hội, giúp đánh giá hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tế cuộc sống. Như vậy, cần tránh tô hồng hoặc bôi đen lá phiếu. Đặc biệt, càng không nên xem việc lấy phiếu tín nhiệm là “cơ hội” để hạ thấp uy tín, hạ bệ người khác, hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Mục tiêu cuối cùng của công việc này là đánh giá đúng cán bộ, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời; cảnh tỉnh, nhắc nhở; phòng ngừa, răn đe với những hạn chế, thiếu sót trong ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.