Mới đây, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, trong đợt tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini, các nhà cho thuê trọ nhiều căn hộ, đoàn kiểm tra quận Thanh Xuân đã yêu cầu chuyển toàn bộ xe máy điện, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ. Đoàn kiểm tra đặt mục tiêu phải di chuyển được 70 đến 80% xe máy điện, xe đạp điện nếu không di chuyển được toàn bộ. Ngay ngày hôm sau, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai lại nói quận không có chủ trương yêu cầu đưa các xe máy, xe điện ra khỏi chung cư mini.
Hiện không rõ chủ trương của quận Thanh Xuân thực sự là như thế nào, chỉ biết rằng không riêng ở quận Thanh Xuân, mà tại nhiều quận khác tại Hà Nội, các chủ xe điện đang gặp khó khăn, thậm chí đảo lộn cuộc sống chỉ vì chiếc xe không chạy bằng xăng.
Một số khu chung cư mini và nhà trọ đã đặt ra quy định “cấm cửa” xe điện. Nhẹ tay thì cấm sạc xe trong khu vực gửi xe, khiến nhiều người chạy đôn chạy đáo, khổ sở tìm chỗ sạc xe điện, thậm chí dắt lên tận căn hộ ở tầng cao để sạc. Mạnh tay thì không cho để xe trong khu vực tòa nhà, thậm chí có chủ nhàtrọ ra “tối hậu thư” là nếu không xử lý được cái xe thì chấm dứt hợp đồng cho thuê.
Có chủ xe điện không biết thuê trọ ở đâu vì đi đâu cũng bị cấm.Cực chẳng đã, có người phải gửi xe điện về quê, cóngười đi bộ, hoặc buộc phải bán xe điện, mua xe xăng để dùng vì không muốn chuyển chỗ ở.
Kể cả sau khi có kết luận “giải oan” cho xe điện, khẳng định nguyên nhân vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân là do xe máy sử dụng động cơ xăng, cụ thể là loại xe tay ga, thế nhưng một số nơi vẫn cấm triệt để xe điện. Vẫn biết “cẩn tắc vô áy náy” nhưng “cẩn tắc” tới mức cực đoan như vậy là điều vô lý.
Có cảm giác như lệnh cấm xe điện này xảy ra theo kiểu trào lưu, thấy chỗ này cấm thì chỗ kia cũng cấm cho yên tâm mà người ta không suy xét các thông tin một cách lý trí, khoa học, rằng cháy hay không cháy là do vấn đề liên quan con người, không phải liên quan chiếc xe điện hay xe xăng. Buông lệnh cấm thì đơn giản, nhưng đằng sau lệnh cấm theo kiểu bột phát đó là rất nhiều con người phải “vò đầu bứt tai” để đối phó, vô tình làm chậm lại xu hướng dùng xe điện mà cả thế giới đang đi theo.
Sau khi xuất hiện tình trạng cấm đoán xe điện, các chuyên gia đã lên tiếng và đưa ra những lý lẽ khoa học để phản bác. Cụ thể, xét về tỉ lệ cháy thì xe điện lại ít xảy ra cháy nổ hơn xe xăng (tỷ lệ 1/61). Xe điện cháy thì nguyên nhân chủ yếu là do quá tải nguồn điện, chập điện, pin kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn.
Do đó, thay vì cấm sạc hay cấm để trong hầm, vốn là những biện pháp chỉ giải quyết được phần nổi, cần phải đối xử với chiếc xe điện sao cho hợp tình hợp lý, không gây khó dễ cho chủ xe, nhất là khi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang khuyến khích xu hướng dùng xe điện để bảo vệ môi trường.
Trong thực tế, không phải nơi nào chiếc xe điện cũng bị cấm tuyệt đối như vậy. Tại những chung cư đúng nghĩa, tức là không phải dạng “mini” và có chỗ để xe rộng rãi, xe điện được đối xử một cách “nhân đạo” hơn. Ví dụ như đã bố trí chỗ để riêng cho xe điện, quy định thời gian sạc cụ thể, không sạc qua đêm và luôn được bảo vệ giám sát cẩn thận.
Chắc chắn đây là những biện pháp cần phải làm hàng ngày một cách nghiêm ngặt, có trách nhiệm để đề phòng cháy nổ do xe điện gây ra trong quá trình sạc. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những việc đề phòng hỏa hoạn ngắn hạn. Còn biện pháp dài hạn ở đây là gì? Chính là đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy nói chung vànhững quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn ngay từ khâu sản xuất hoặc nhập khẩu xe điện, nhất là đối với bộ phận pin, sạc xe điện. Chính là kiểm soát và xử lý mạnh tay những thiết bị sạc xe điện hay pin xe điện không rõ nguồn gốc hoặc bị nhập lậu.
Có thể thấy, qua cách đối xử với xe đạp điện, xe máy điện như “tội đồ” mà một số chung cư mini, nhà trọ đang làm sau vụ cháy thảm khốc, Hà Nội có vẻ như đang loay hoay với hạ tầng và quy chuẩn cho xe điện nói chung, không chỉ xe máy điện mà còn cả ô tô điện, xe buýt điện. Hà Nội có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện và hàng nghìn ô tô điện đang được sử dụng. Dù chiếm tỷ lệ không lớn trong cả chục triệu xe cá nhân các loại, nhưng tỷ lệ này chắc chắn sẽ ngày càng tăng cùng các chính sách khuyến khích xe điện.
Về lâu dài, khi xu hướng dùng xe điện ngày càng mạnh, các chung cư nói riêng và các thành phố nói chung cần tính toán dành nguồn điện và một phần không gian bên ngoài để làm bãi sạc ổn định cho xe điện, vừa an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu của người dùng. Các kỹ thuật phòng cháy chữa cháy cho xe điện cũng rất cần thiết.
Nếu chậm triển khai, rất có thể dẫn tới tình trạng quá tải khi số lượng xe điện tăng nhanh, còn hạ tầng lại “giậm chân tại chỗ”, tạo ra thế bị động, lúng túng trong xử lý, “hắt hủi”, kỳ thị một cách thái quá với xe điện.