Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Đó là nội dung quan trọng của Nghị định 04/2015/NĐ-CP quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước vừa được Chính phủ ban hành.
Không phải là lần đầu, vấn đề trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức được đề cập trong một văn bản pháp quy của Chính phủ. Phải thấy rằng, nhiều năm trở lại đây, trong giải quyết các công việc liên quan đến quyền lợi của người dân, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đáng chú ý, những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ với công việc của dân, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân…, đã không được xử lý kiên quyết, kịp thời. Không những thế, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ đã lợi dụng kẽ hở của chính sách, sách nhiễu, trục lợi, gây khó dễ cho dân. Đáng lẽ, hơn ai hết, chính các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của dân phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng, vì sao vướng, để cùng với người dân tháo gỡ, thì họ lại bám vào những lý do vừa nêu để gây khó dễ, thậm chí vòi vĩnh dân.
Rõ nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Dù đã được công khai, nhưng chưa phải người dân nào cũng nắm rõ. Hơn nữa, quá trình thực hiện nhiều khi phát sinh những vướng mắc, nên rất cần cán bộ thực thi nhiệm vụ hướng dẫn thấu đáo, tận tình. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, nếu những người thực thi công vụ có tâm, có tinh thần trách nhiệm với công việc, thì chắc chắn những vướng mắc - dù là phức tạp đến mấy, cũng sẽ được tháo gỡ. Nhưng đáng tiếc, vẫn còn không ít cán bộ chưa ý thức được trách nhiệm, hướng dẫn không rõ ràng, khiến người dân phải vất vả đi lại nhiều lần, tốn kém tiền bạc, thời gian mà vẫn không hoàn tất được thủ tục. Khi cán bộ, công chức, viên chức không vững chuyên môn, không vì quyền lợi của người dân, thì chắc chắn những vụ việc phức tạp sẽ ngày càng nhiều, sự bức xúc của công dân cũng ngày một tăng. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát của tập thể, của cấp trên lại thiếu kiên quyết, thậm chí dung túng, bao che cho cán bộ sai phạm. Hơn thế, cá nhân vì quyền lợi mà làm trái, tập thể, cấp lãnh đạo cũng vì quyền lợi mà nể nang, né tránh, xử lý không đến đầu đến đũa...
Thể hiện quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản trong thái độ, trách nhiệm phục vụ dân, làm trong sạch bộ máy công quyền, Chính phủ một lần nữa yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị phải vào cuộc một cách cương quyết, không để tồn tại những cán bộ, công chức, viên chức, vì quyền lợi của cá nhân mà bất chấp các quy định của pháp luật, coi thường kỷ cương. Có như vậy, những việc liên quan đến dân mới được thông suốt, hiệu quả, người dân mới tin vào sự trong sạch của bộ máy công quyền.