Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt theo đúng phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Thực tế, những năm qua, huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm bơm cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp, như: Đốc Tín, Xuy Xá, Phù Lưu Tế 1, Vạn Phúc, Yến Vỹ và An Phú…
Ông Đoàn Văn Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức cho biết: Do xây dựng đã lâu, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu nên hiệu suất những trạm bơm này hiện chỉ đạt 55 - 60% công suất thiết kế. Nếu xảy ra mưa lớn từ 200 - 300mm trong 3 ngày kết hợp lũ rừng ngang đổ về, hàng nghìn ha lúa, nuôi trồng thủy sản của huyện sẽ bị ngập sâu, gần 1.000 ha thuộc vùng trũng các xã An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hồng Sơn có thể bị mất trắng...
Ngoài nỗi lo mất mùa, hàng nghìn hộ dân ở các xã này còn đối diện nguy cơ ngập úng nếu xuất hiện lũ rừng. Ông Đinh Công Võ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho hay, nếu xảy ra mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ vào, các thôn Đồng Chiêm, Ái Nàng, Đức Dương, Phú Thanh, Đồng Văn, Nam Hưng với khoảng 1,2 nghìn hộ dân của xã khó tránh khỏi nguy cơ bị ngập lụt, cô lập trong nhiều ngày.
Bên cạnh yếu tố bất lợi về địa hình, hạn chế về cơ sở hạ tầng, khâu phòng chống thiên tai ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn huyện còn tư tưởng chủ quan; xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; chưa thực hiện tốt khâu chuẩn bị "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ)...
Ông Bùi Văn Chuyện, Chủ tịch UBND xã An Phú huyện Mỹ Đức cho biết, xã đã lập kế hoạch phòng, chống thiên tai chi tiết cho từng vùng sản xuất, khu vực; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên phụ trách...
Đến thời điểm này, An Phú đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn; chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm (lương thực, nước uống, nến thắp sáng...) phục vụ người dân vùng tránh lũ trong 7 ngày...
Theo các chuyên gia thủy lợi, để giảm thiệt hại do lũ rừng ngang gây ra cần thay đổi cách tiếp cận về phòng, chống lũ. Đó là dành không gian để chứa nước; từ chống lũ triệt để sang né tránh, thích nghi; từ tiêu úng tập trung sang phân tán. Ví dụ như di dân tại chỗ một phần, xây dựng kế hoạch ứng phó với lũ; nâng cấp hệ thống đường, trường, trạm bảo đảm cao độ chống lũ.
Bên cạnh đó, không xây dựng kênh cắt lũ núi, chỉ xây dựng đê ngăn và cải tạo sông, suối để tăng cường khả năng thoát lũ. Đồng thời, xây dựng đê hữu Bùi thành 4 khu vực khép kín, có kết nối đê dọc sông Bùi để quản lý, ứng phó với cao trình đê chống lũ 7 - 8m. Xây dựng trạm bơm phân tán, tiêu nước triệt để…