Quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc sắc vùng đồng bằng sông Hồng

Tối 8/11, tại Vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khai mạc chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” lần thứ tư. Diễn ra đến ngày 10/11, chương trình có gần 80 gian hàng đến từ 11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tham gia trưng bày.

Đây là dịp tăng cường giao lưu, kết nối về kinh tế, văn hóa và tôn vinh sản phẩm Việt Nam, thúc đẩy thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

Chú thích ảnh
Người dân Thủ đô mua sản phẩm truyền thống của phụ nữ vùng đồng bằng sông Hồng.

Các gian hàng tham gia hoạt động quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, sản phẩm sáng tạo với hàng ngàn sản phẩm OCOP, đặc sản làng nghề của Hà Nội như: Giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, cá kho Hàng Bè, cốm Làng Vòng; cùng thịt trâu gác bếp, bánh chưng Bờ Đậu, bánh đậu Hải Dương, long nhãn Hưng Yên, giò Còng Vĩnh Phúc, chả mực Hạ Long và nhiều đặc sản khác của tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại lễ khai mạc, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, đây là năm thứ tư chương trình "Hà Nội kết nối - vươn xa" được tổ chức, tiếp tục khẳng định thông điệp của thành phố trong nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Qua đó khẳng định, phát huy tiềm năng to lớn, khát vọng vươn lên, vai trò chủ thể của phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất các sản phẩm OCOP, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, các nghề truyền thống, kết nối giao thương, tăng cường gắn kết, hợp tác giao lưu cùng phát triển giữa phụ nữ Thủ đô và phụ nữ các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố là: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định. Vùng chiếm 6,42% diện tích cả nước; có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt; là nơi tập trung đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Người dân Thủ đô mua sản phẩm truyền thống của phụ nữ vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đã xác định vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Phụ nữ vùng đồng bằng sông Hồng phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, luôn có tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu vươn lên, chịu thương, chịu khó, cần cù, thông minh, sáng tạo. Chị em cũng là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trong vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc.

Chú thích ảnh
Người dân Thủ đô mua sản phẩm truyền thống của phụ nữ vùng Đồng bằng sông Hồng. 

Những năm qua, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng đã tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án 939 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, gần đây là Đề án của Chính phủ về hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong vùng tăng cường giao lưu nhằm quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống; tham gia công tác an sinh xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội...

Trong khuôn khổ chương trình, chiều 8/11, tại Quận ủy, UBND quận Tây Hồ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền năng kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng” và ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động giữa 11 Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng”.

Tin, ảnh: Nguyễn Cúc (TTXVN)
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen

Hiện nay, diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.108 ha, sản lượng sen gương đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 12.163 tấn. Giá thành sản xuất gương sen bình quân đạt 9.204 đồng/kg, giá bán bình quân đạt 20.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân hơn 42 triệu đồng/ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN