Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp, gia tăng số ca mắc bệnh, với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến chủng mới BA.04, BA.05. Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng chống dịch bệnh.
Để bảo đảm mục tiêu kép và đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương, thần tốc triển khai các công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định: Kiên quyết, kiên trì và kiên định, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh để phát triển kinh tế, xã hội. Phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Qua đó, thành phố tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến cấp xã.
Hà Nội cũng triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng; đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để lập danh sách, tuyên tuyền, tổ chức tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. Chỉ đạo các ngành, các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn quyết liệt triển khai thực hiện với tiêu chí tiêm chủng là nghĩa vụ, là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân.
Việc cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm COVID-19 được Hà Nội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền; xây dựng nội dung truyền thông trước, trong và sau chiến dịch tiêm chủng; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
Ông Trần Sỹ Thành đề nghị ngành Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà trường mời các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn để tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vaccine, trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động các em và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, kịp thời; đặc biệt quan tâm đến các em mắc bệnh lý nền, béo phì... để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cùng Sở Công Thương chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố chưa tiêm mũi 3, mũi 4 để tuyên truyền, vận động đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19; phối hợp với chính quyền các cấp, ngành Y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thông báo, mời đối tượng và tổ chức triển khai các điểm tiêm chủng tại nhà máy, xí nghiệp…, đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.