Sông Hồng không chỉ có vai trò quan trọng với Hà Nội về văn hóa, lịch sử mà yếu tố cảnh quan của khu vực này được xem là điểm nhấn kiến trúc khác biệt của thành phố. Với tính chất như vậy, ngày 25/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Theo đó, diện tích quy hoạch được xác định khoảng 10.996,16 ha; trong đó, diện tích sông Hồng chiếm khoảng 30% (khoảng 3.244 ha), diện tích dành cho không gian xanh khoảng 49,7% (khoảng 5.462 ha). Còn không gian cây xanh, mặt nước chiếm gần 80% diện tích nghiên cứu, phù hợp với định hướng sông Hồng là khu vực thoát lũ, trục không gian xanh cho khu trung tâm Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, việc công bố đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng là bước đi quan trọng để đưa sông Hồng trở thành trục không gian xanh trọng tâm của Thủ đô, biến giấc mơ về một thành phố hai bên sông xanh, hiện đại và đáng sống sớm trở thành hiện thực. Cùng với đó, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.
"Với những căn cứ trên, cho thấy không chỉ Hà Nội mà Trung ương cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng", ông Nguyễn Bá Nguyên nói và phân tích thêm quan điểm trên thể hiện tầm nhìn và cách ứng xử mới với không gian bãi giữa với sông Hồng. Coi sông Hồng là không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển.
Khu vực bãi giữa thuộc địa giới quản lý của nhiều quận, huyện của Hà Nội. Tuy nhiên khu vực có giá trị cảnh quan và phát triển văn hóa, đô thị nhất phải kể đến diện tích bãi giữa thuộc phường: Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Phúc Xá (quận Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (quận Long Biên)… Trong các địa phương kể trên, bãi giữa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là rộng lớn nhất.
Tại khu vực bãi giữa của phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, thời gian gần đây ghi nhận một số diện tích đất hoang đã biến hành "công viên" vui chơi, nơi tập thể thao cho các em nhỏ và nhiều người dân. Ý tưởng xuất phát từ một nhóm kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn đã khởi sự làm dự án "công viên" trên.
Quá trình thực hiện dự án trên tại bãi giữa sông Hồng, nhóm cũng đã tôn trọng thiên nhiên, hạn chế đưa bê tông tác động đến không gian xanh của bãi giữa. Hiện tại, "công viên" đang thu hút khá đông trẻ em, người dân đến vui chơi hàng ngày. Hơn nữa, người dân có thể hòa mình vào không gian xanh, thoáng đãng, tương phản với khu vực phố xá đông đúc phía bên trong bờ đê sông Hồng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, còn khá manh mún và mang tính tự phát, cần một quy hoạch và đầu tư bài bản cho khu vực bãi giữa.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên vùng bãi giữa vừa có chức năng văn hóa đô thị và chức năng đảm bảo thoát lũ theo các quy định nghiêm ngặt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đặc thù như vậy nên việc tiếp cận về quy hoạch và đô thị cần thận trọng để tôn trọng thiên nhiên và phát huy được cảnh quan không gian. Để làm "sống" không gian đô thị ở bãi giữa, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng cần tiếp cận đa chiều; trong đó, tập trung vào: thể chế, chính sách huy động nguồn vốn; quản lý sử dụng, duy tu – duy trì.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, để phát triển bãi giữa cần hạn chế tối đa bê tông hóa; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng; kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, thân thiện môi trường, cảnh quan khu vực sử dụng các vật liệu tự nhiên, truyền thống… Trong bất kỳ phương án quy hoạch nào, luôn phải xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu, có vị trí xứng đáng khi triển khai phát triển bãi giữa.
Giá trị của bãi giữa sông Hồng trong phát triển đô thị là không thể phủ nhận nhưng cần đánh thức và đưa ý tưởng quy hoạch thành hiện thực một cách bài bản và tổng thể. Tiếp cận ở góc độ nguồn lực dành cho bãi giữa, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nêu trăn trở, trong bối cảnh địa phương và thành phố còn hạn chế nên việc tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện, phát triển đô thị bãi giữa là vô cùng quan trọng.
"Thành phố và Trung ương cần cơ chế chính sách, để tạo sự hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia quá trình phát triển bãi giữa. Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực, hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Thủ đô Hà Nội", ông Khuyến kiến nghị.
Cùng nhìn nhận về vai trò của sông Hồng nói chung và bãi giữa nói riêng, đóng góp cho sự phát triển đô thị Hà Nội là vô cùng to lớn, ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng cần một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, vì dân sinh, vì phát triển đột phá cho Hà Nội.
Để làm được điều này, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nêu quan điểm, cấp thẩm quyền nên tổ chức cuộc thi ý tưởng về bãi giữa nhằm phát huy được sức sáng tạo, độc đáo, khả thi để di sản sông Hồng thành điểm nhấn kiến trúc xứng tầm của Thủ đô, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.