Dù có nhiều nguyên nhân, song về căn bản là do chưa đạt được sự đồng thuận của một số hộ dân nằm trong diện phải di dời và do nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm cấp độ D. Do đó, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các quận như: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án.
Đơn cử tại quận quận Ba Đình có 217 chung cư cũ; trong đó, có 5 nhà nguy hiểm cấp D được đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đợt 1. Hiện quận này đã hoàn thành di dời được người dân tại 3/5 chung cư xuống cấp nguy hiểm cấp độ D. Đáng chú ý có tòa Nhà G6A Thành Công gồm 2 đơn nguyên (đều được xác định là nhà nguy hiểm cấp D), cao 5 tầng, diện tích xây dựng 523,6 m2 với 49 căn hộ (khoảng 162 nhân khẩu).
Đến nay có 26/49 hộ dân đã di dời; còn 23 hộ dân chưa di dời. Các hộ dân đưa ra nhiều lý do như chưa đồng thuận với kết quả kiểm định (dù đã thực hiện 2 lần kiểm định chất lượng công trình và kết quả đều đánh giá chung cư nguy hiểm cấp độ D) hay chưa đồng ý đến nơi tạm cư do chất lượng nhà tạm cư kém và vị trí quá xa với nơi ở cũ nên ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, làm việc và học tập của hộ gia đình. Các hộ dân cũng yêu cầu được gặp chủ đầu tư của dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư để kiến nghị về thời gian thực hiện, chính sách và phương án tái định cư.
Về những trường hợp hộ dân chưa chịu di dời khỏi nơi ở xuống cấp nguy hiểm, UBND quận Ba Đình cho biết, dự kiến trong tháng 2/2023, UBND quận tiếp tục vận động lần 3 các hộ dân trên nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ. Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chịu phối hợp với chính quyền, quận sẽ giao các ngành chức năng, chính quyền phường quyết liệt hoàn thiện hồ sơ, ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với các hộ dân cố tình chống đối.
Cho biết thêm về các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, hiện nay quỹ nhà tạm cư phục vụ di dời các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình chưa đảm bảo đủ điều kiện ở thiết yếu, bị xuống cấp dẫn đến khó khăn khi tuyên tuyền, vận động các hộ dân sớm di dời ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D. Do vậy, UBND quận kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức sửa chữa các căn hộ tạm cư.
Dẫn chứng về hạn chế bởi số tầng công trình đã quy định tại đồ án phân khu H1-2 dẫn tới diện tích sàn kinh doanh (sau khi đã bố trí tái định cư) còn lại ít, không hấp dẫn được các nhà đầu tư, tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Đề án, ông Tạ Nam Chiến kiến nghị: “UBND quận đề xuất thành phố xem xét cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tầng cao quy hoạch đối với khu vực các chung cư cũ: Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Liễu Giai và các chung cư đơn lẻ trên cơ sở tăng diện tích công cộng, dịch vụ thương mại, cơ bản không làm tăng dân số”.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của thành phố trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân. Thành phố đã thành lập ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn, cho thấy sự quyết tâm chính trị cao của thành phố trong công tác này.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thành phố cầu các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai các bước cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong cải tạo chung cư cũ.