Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn.
Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người, giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch, phương án theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ các địa phương, các địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của bão và hỗ trợ nhân dân; duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở, hạ tầng thiết yếu, nhất là thông tin liên lạc, cơ sở y tế...
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công, chủ động ứng phó với bão, 4 công ty thoát nước đô thị thành phố đã huy động 2.416 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị bơm hút chống ngập. Các công ty cây xanh đã cắt tỉa hạ thấp độ cao, làm thưa tán hơn 92.000 cây xanh, đạt 65% số lượng cây của thành phố. Bên cạnh đó, các công ty cây xanh đã huy động 573 người, 80 xe và 100 cưa máy, 100 cưa tay tiếp tục cắt tỉa, kịp thời giải tỏa cây xanh gãy, đổ...
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cho biết, hoàn lưu bão số 3 rất rộng, gây mưa lớn, gió mạnh diện rộng trên địa bàn thành phố. Từ chiều 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Từ chiều tối 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Ngoài gió mạnh, từ ngày 7 - 9/9, Hà Nội mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì từ 200 - 300 mm, có nơi cao hơn 400 mm. Các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh từ 150 - 250 mm, có nơi cao hơn 300 mm.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 6/9, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động, sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 3. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão như: sẵn sàng huy động hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; duy trì hệ thống điện an toàn; các hồ trên địa bàn đã hạ xuống mức thấp cần thiết...
Các đơn vị Quân đội, Công an sẵn sàng huy động 10.732 cán bộ, chiến sỹ, 303 phương tiện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3…
Công an thành phố đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản.
Các trường học cần chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trực thuộc về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị, nhà trường triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị, nhà trường thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết để chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Đồng thời rà soát, sẵn sàng các kế hoạch triển khai phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện; rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường, nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ phải báo cáo để xử lý kịp thời (trường hợp chưa thực hiện ngay được thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất).