Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, hiện nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp là khoảng 167.000 người. Hà Nội hiện có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng dự án với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.8 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở.
Trong đó, khu nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở, ngoài ra có Khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà cao 12 tầng và 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại những khu nhà do người dân xây dựng trong khu dân cư.
Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND thành phố về việc thực hiện chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn, xác định mục tiêu: Hỗ trợ công nhân lao động trong các khu công nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo đáp ứng mặt bằng chung cuộc sống tại Hà Nội. Đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm được 1 - 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động và đến năm 2030 có 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Bà Lê Kim Anh chia sẻ, trong thời gian thành phố Hà Nội chưa hoàn thiện khu nhà ở cho công nhân, việc đảm bảo công nhân lao động có chỗ ở an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống là điều hết sức quan trọng. Do đó, Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy chính quyền thành phố và các địa phương sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.
Để triển khai hiệu quả Dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức tham vấn chính quyền của 3 địa phương gồm thị trấn Chi Đông, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) và xã Kim Chung (huyện Đông Anh) về thực hiện dự án, tiến hành khảo sát về thực trạng nhà trọ cho công nhân, đồng thời đã tiến hành tổ chức 2 buổi truyền thông cho nữ lao động nhập cư và chủ nhà trọ trên địa bàn 2 huyện.
Theo bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam, Việt Nam có số lượng lớn lao động di cư trong nước làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp thiết yếu trong lực lượng lao động của Việt Nam. Phần đông người lao động di cư là nhằm tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn và nhiều người trong số họ tìm kiếm công việc tại các khu công nghiệp lớn như ở huyện Đông Anh và Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội.
“Chúng tôi nhận thấy rằng rất nhiều lao động di cư đang phải đối mặt với điều kiện sống không an toàn. Đáng ngại hơn là có khoảng 10% chủ nhà trọ không có hợp đồng thuê trọ chính thức với người lao động. Một số người có hợp đồng lao động nhưng các điều khoản không rõ ràng khiến họ gặp khó khăn trong việc cư trú”, bà Park Mihyung nói.
Theo Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế, bộ công cụ đánh giá chỗ ở cho lao động di cư sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa nhu cầu của người lao động về một chỗ ở đảm bảo. Các nhà trọ tư nhân cho người lao động trên cả nước có thể áp dụng bộ công cụ này, đồng thời, các cơ quan nhà nước, chủ nhà trọ cũng như khu vực tư nhân cùng tìm ra phương án giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ sở, ban, ngành thành phố, huyện Mê Linh và huyện Đông Anh đã nêu ý kiến về các tiêu chí đặt ra đối với các nhà trọ. Trong đó, cần áp dụng bộ tiêu chí cho loại hình nhà trọ cao tầng, chung cư mini, bổ sung thêm tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy, quy tắc ứng xử nơi công cộng, gia đình văn hóa, tổ dân số văn hóa, xây dựng nhà trọ thân thiện. Bên cạnh đó, có thể bổ sung nội dung nhà trọ không kết hợp hộ kinh doanh, không sử dụng không gian chung của nhà trọ cho việc kinh doanh… để người thuê trọ có thể gắn kết với cộng đồng dân cư…