Phát triển sinh vật cảnh góp phần xây dựng nông thôn mới Hà Nội xanh sạch đẹp

Hà Nội định hướng phát triển hoa, cây cảnh trên địa bàn là ngành kinh tế trọng điểm, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh sạch đẹp. Phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về phát triển sinh vật cảnh của TP Hà Nội trong thời gian qua?

Chính phủ có Nghị quyết số 52/2018/NĐ-CP xác định sinh vật vật cảnh là một trong 7 nhóm ngành nghề phát triển nông thôn. Hà Nội cũng ban hành Đề án phát triển hoa cây cảnh và xác định đây là lĩnh vực lĩnh vực kinh tế trọng điểm nông thôn của Thành phố.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh. Năm 2023, Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín.

Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đây là một ngành nghề có giá trị cao nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội.

Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa với tổng diện tích hơn 1.800 ha, quy mô từ 10 - 20 ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.

Thành phố đã có quyết định công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh gồm: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Nội Thôn; Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu; Làng nghề hoa Đại Bái; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; Làng nghề quất cảnh Tứ Liên; Làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá; Làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng; Làng nghề trồng hoa mai trắng thôn An Hòa; Làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang; Làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thái và có 36 sản phẩm hoa, cây cảnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong Luật Thủ đô năm 2024, sinh vật cảnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững và đô thị thông minh. Hiện nay, Thành phố đang xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sinh vật cảnh được xác định là một nhóm ngành hàng quan trọng được ưu tiên phát triển, là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người…

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chương trình 04 của Thành uỷ Hà Nội trong phát triển sinh vật cảnh? Việc phát triển sinh vật cảnh đã tác động ra sao đến quá trình xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô?

Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500 - 9.000 ha. Mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Chương trình 04 của Thành uỷ bao trùm các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội của trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Phát triển sinh vật cảnh giúp cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, để khu vực nông thôn là một miền quê đáng sống.

Trồng hoa, cây cảnh là một điểm nhấn trong mô hình của nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để làm được vấn đề này phải phát huy được vai trò của các đoàn thể chính trị ở các địa phương tham gia vào hoạt động này để môi trường khu vực này nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn.

Thực tế cho thấy, xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đã đặt ra yêu cầu cao về cải thiện chất lượng sống cho người dân. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một môi trường sống an toàn và thân thiện với thiên nhiên. Ngành sinh vật cảnh bằng cách cải thiện và quy hoạch cây xanh, có thể tạo ra những môi trường thoáng đãng, trong lành, thúc đẩy sự phát triển bền vững đồng thời bảo tồn hệ sinh thái bản địa.

Các hoạt động sinh vật cảnh còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát triển cảnh quan nông thôn. Người dân được khuyến khích tham gia trồng cây, chăm sóc vườn hoa, cùng nhau xây dựng và bảo vệ những khu vực xanh của địa phương. Không gian xanh là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng. Điều này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn tạo ra những giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc.

Văn phòng đang tham mưu cho thành phố ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị. Điểm đáng chú ý của đề án là không chỉ phát triển sinh vật cảnh góp phần xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành mà còn phát triển tại khu vực nội thành để tạo môi trường xanh sạch, đẹp kết nối đô thị và nông thôn và phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng như thế nào trong phát triển sinh vật cảnh, thưa ông?

Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất sinh vật cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm; từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Về khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống sinh vật cảnh có tính trạng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng của khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, đối với những giống hoa, cây cảnh đủ điều kiện cần công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền, đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Chú thích ảnh
Trưng bày sinh vật cảnh tại Hà Nội. Ảnh: Lê Phú

Về thị trường tiêu thụ, nghiên cứu văn hóa sử dụng Sinh Vật Cảnh trong các gia đình; thị trường tiêu thụ sinh vật cảnh trong nước thường ngày và trong các dịp lễ hội, các sự kiện, nhất là nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh trong công sở, trên đường phố, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ các đối tượng; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các hội thi, lễ hội, triển lãm chuyên đề về hoa, cây cảnh để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.

Về tổ chức sản xuất, Hà Nội định hướng phát triển hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn trong quá trình cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi tối đa theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Xây dựng chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Về nguồn vốn đầu tư, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển ngành sinh vật cảnh theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Hà Nội: Kiểm tra xe ô tô đưa đón học sinh
Hà Nội: Kiểm tra xe ô tô đưa đón học sinh

Để chuẩn bị cho năm học mới, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đang tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN