Bảo tàng vinh danh cha đẻ súng trường AK-47

Ra đời năm 2004, tổ hợp bảo tàng - triển lãm vũ khí cầm tay mang tên M. T. Kalashnikov ngay lập tức trở thành một thắng cảnh ở thủ phủ Izhevsk của Cộng hòa Udmurtia thuộc Liên bang Nga.

Chú thích ảnh
Bên trong tổ hợp bảo tàng - triển lãm vũ khí cầm tay M. T. Kalashnikov. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại Moskva, Liên bang Nga

Tại đây có thể khám phá lịch sử hơn 200 năm chế tạo vũ khí của thủ đô quân khí Izhevsk, cùng cuộc đời và những thăm trầm trong sự nghiệp Mikhain Kalashnikov – cha đẻ khẩu súng trường tự động AK-47 huyền thoại – loại vũ khí đã góp phần giúp QĐND Việt Nam làm nên chiến thắng lẫy lừng Mùa xuân năm 1975 để thống nhất đất nước.

Bước vào bảo tàng, ngay lập tức bạn có thể biết nhà máy chế tạo vũ khí Izhevsk ra đời từ năm 1807 và đã hơn 200 tuổi. Ban đầu nó được xây dựng để chế tạo súng hỏa mai cho quân đội Sa hoàng nhờ vị trí địa lí thuận lợi – bên bờ sông Iz và gần các khu rừng vốn là nguồn dồi dào để khai thác củi đốt lò.

Khẩu súng hỏa mai đầu tiên được nhà máy Izevsk sản xuất năm 1839 với tầm bắn tối đa chỉ 30 bước và không tin cậy. Giữa thế kỷ 19 ra đời khẩu súng hỏa mai mới với cò khai hỏa tin cậy hơn, tốc độ bắn nhanh hơn 2 phát/phút. Dòng súng ra đời năm 1846 xuất hiện biểu tượng “cung và tên” của nhà máy trên súng. Một bước tiến dài nữa của ngành quân khí Nga là năm 1869, khi ra đời khẩu súng trường sử dụng đan, tốc độ bắn 9 phát/phút và tầm bắn 600m.

Tại gian vinh danh những khẩu súng cầm tay danh tiếng này còn có súng trường Moshin, do nhà thiết kế Sergei Mosin ở Tula phát triển cuối thế kỷ 19. Khẩu súng này đã có hộp đạn 4 viên và tồn tại trong suốt hơn 50 năm, được cả Đế quốc Nga Sa Hoàng lẫn Hồng quân Liên Xô sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2.

Chú thích ảnh
Một gian trưng bày trong tổ hợp bảo tảng, triển lãm. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại Moskva, Liên bang Nga

Tiếp đến là khẩu Kalashnikov AK-M huyền thoại. Sở dĩ khẩu AK đời năm 1947 (AK-47) không được bày ở vị trí trạng trọng này vì AK-M ra đời năm 1959 là mẫu AK sản xuất hàng loạt nhiều nhất. Cuối thập niêm 1960, sản lượng súng là 500.000 khẩu/năm và hiện vẫn sử dụng rộng rãi.

Tại bảo tàng, những khẩu súng cầm tay danh tiếng khác của nước Nga cũng được nhắc tới. Đó là súng trường bắn tỉa Dragunov SVD ra đời hơn 100 năm trước, tháng 2/1920. Đây là khẩu súng trường tự lên đạn đầu tiên trên thế giới, được sử dụng trong quân đội năm 1963. Nhờ phát minh này, Drogunov được nhận giải thưởng Lenin và một căn hộ ở trung tâm thành phố Izhevsk. Súng trường Nikonov – N-94 của nhà sáng chế Ghenady Nhikonov là người Izhevsk, và chỉ tồn tại 10 năm từ năm 1998 đến năm 2008 rồi không sản xuất tiếp do phức tạp.

Tiếp đó, anh hướng dẫn viên Igor Alekgovich đưa chúng tôi tới gian trưng bày về cuộc đời của Mikhain  Kalashnikov. Ông Mikhain sinh ngày 10/11/1919 (có giấy ghi năm 1917) tại Altai trong một gia đinh nông dân có 18 người con, đến từ Kuban năm 1908. Tháng 8/19, Kalashnikov nhập ngũ trong một đơn vị xe tăng. Ông đã phát triển bộ đếm quán tính cho các phát bắn từ súng xe tăng, một thiết bị gắn với súng lục TT để tăng hiệu quả bắn qua các khe trên tháp pháo xe tăng, cũng như bộ đếm chuyển động của xe tăng.

Những phát minh đầu tiên của ông không chỉ liên quan đến xe tăng mà cả vũ khí cầm tay, chính vì vậy, ông được Tướng Georgy Zhukov tặng một chiếc đồng hồ đeo tay và gửi đến Nhà máy mang tên Voroshilov ở Leningrad để hoàn thiện sáng chế của mình. Tuy nhiên ông chưa kịp làm thì Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra. Kalashnikov ra tiền tuyến, chiến đấu trên tăng T-34.

Chú thích ảnh
Ảnh Kalashnikov và những khẩu súng trường trứ danh của ông. Ảnh: Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại Moskva, LB Nga.

Ông chiến đấu ở mặt trận Bryansk, bị thương nặng ở thành phố Trubchat và điều trị ở bệnh viện thành phố Yelets thuộc tỉnh Lipetsk. Chính những ngày trong bệnh viện, Kalashnikov nhận thấy tiểu liên Shpagin PPSh, dòng súng phổ thông nhất của Hồng quân trog Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, với hơn 6 triệu khẩu súng lưu hành khá nặng (5kg), không thích hợp cho các chiến sĩ xe tăng.

Kalashnikov cho rằng quân đội cần có loại súng gọn, nhẹ hơn và bắt đầu thực hiện những phác thảo khẩu tiểu liên đầu tiên của mình, ra đời năm 1942. So với tiểu liên Shpagin khẩu súng này nhẹ hơn nhiều, chỉ nặng khoảng 3kg. Súng được thử nghiệm tại thao trường ở Samarkan, Kazakhstan. Chuyên gia Anatoly Blagonravov không đánh giá cao khẩu súng song ông nhận thấy tính độc đáo của sản phẩm. Blagonravov cho rằng Kalashnikov có tiềm nặng lớn và ông được thưởng số tiền tới 5.000 ruble đồng thời được cử đi học trường kỹ thuật.

Năm 1942, Kalashnikov làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí nhỏ và Súng cối của Hồng quân ở ngoại ô Moskva. Tại đây năm 1944, ông đã tạo ra nguyên mẫu carbine tự nạp đạn, mặc dù nó không được đưa vào sản xuất hàng loạt nhưng một phần được dùng làm nguyên mẫu chế tạo súng trường tấn công. Kalashnikov không thành công vì súng của ông phức tạp và đắt. Năm 1942 tiểu liên Sudaev PPS đã được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn viên Igor Alekgovich giới thiệu với phóng viên về cuộc đời của Mikhain Kalashnikov. Ảnh:  Trần Hiếu - Phóng viên TTXVN tại Moskva, Liên bang Nga

Năm 1944, Kalashnikov thiết kế một loại carbine theo mẫu súng trường M1 Garand (Mỹ). Tuy nhiên mẫu súng của ông đã thua mẫu carbine mới của Simonov, hay còn gọi là carbine SKS (Việt Nam gọi là súng trường CKC) huyền thoại. Tuy nhiên thiết kế này đã trở thành cơ sở để Kalashnikov tham gia cuộc thi thiết kế súng trường tấn công lần thứ hai, giai đoạn 1946-1948.

Trên thực tế, Kalashnikov phát triển 2 mẫu súng trường tự động, đầu tiên là AK-46 (ra đời năm 1946) và AK-47 chỉ là bản nâng cấp hoàn thiện hơn của AK-46 song điều đặc biệt là AK-46 không có nhiều đặc tính giống như khẩu AK-47 tương lai. Trong một thời gian rất ngắn, AK-47 được Kalashnikov, cùng với nhà thiết kế tại Nhà máy Kovrov số 2 A. Zaitsev, phát triển. Nó ít chi tiết hơn mẫu súng trường năm 1946, song có độ tin cậy cao hơn.

Tháng 3/1948, Mikhail Kalashnikov được cử đến Nhà máy Xe máy Izhevsk để tham gia xây dựng tài liệu kỹ thuật và tổ chức sản xuất lô AK-47 thử nghiệm đầu tiên. Trong thời gian ngắn nhất có thể, nhiệm vụ đã hoàn thành: 1.500 khẩu súng trường, sản xuất tại Motozavod, đã vượt qua các cuộc thử nghiệm thành công và được Quân đội Xô Viết nghiệm thu.

Năm 1949, AK-47 được đưa vào sử dụng trong quân đội cùng với súng trường SKS của Simonov, trung liên RPD của Degtyarev. Nhờ những phát minh này, Kalashnikov và Simonov được trao Giải thưởng Stalin trị giá 150.000 ruble trong khi vào thời điểm đó chiếc xe ô tô Pobeda hạng sang chỉ có giá 16.000 ruble.

AK-47 có 2 nhược điểm là nặng (gần 5kg), và độ trúng đích không hoàn toàn tốt. Bởi vậy ngay khi đưa vào sử dụng trong quân đội, Liên Xô đã bắt đầu quá trình nâng cấp loại súng này. Năm 1959, khẩu AK M (hiện đại hóa) bán chạy nhất ra đời. Ngoài Liên Xô, súng trường Kalashnikov còn được sản xuất ở nhiều nước XHCN như Trung Quốc (Ty-56), Tiệp Khắc, Nam Tư, Bulgari, Rumani, Đức, Hungary. Từ đây danh tiếng khẩu AK-47 ngày càng vang xa và trở thành vũ khí chuẩn mực trong quân đội khối XHCN.

Một chi tiết đáng ngạc nhiên là các công nhân nữ ở Izhevsk là lực lượng lao động chính lắp ráp súng trường Kalashnikov. Tại bảo tàng còn lưu giữ bức ảnh Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez ngạc nhiên như thế nào khi đến thăm nhà máy và biết được điều này.

Liên Xô tan rã vào những năm 1990 là giai đoạn khó khăn của nhà máy Izhevsk, buộc nhà máy phải phát triển các dòng súng xuất khẩu để tồn tại. Các dòng súng AK series 100 ra đời vào thời điểm đó và được tiêu thụ rất thành công ở nhiều nước như Ấn Độ, Saudi Arabia, Venezuela… AK-101 có thể sử dụng đạn do Mỹ sản xuất cho súng M-16. AK-103, AK-105 được ưa chuộng ở nhiều nước. Theo hướng dẫn viên bảo tàng, chỉ vài tháng trước Armenia đã mua giấy phép để chế tạo AK-103.

Với quân đội Nga, dòng series 100 được chuyển thành  AK-12 và AK-15 với nhiều cỡ đạn khác nhau. Dòng AK-12 xuất khẩu chính là AK-200. Năm 1992, dựa trên súng chiến đấu đã chế tạo dòng súng dân sự Vepr dùng cho đi săn và thể thao. Trên cơ sở AK, nhà máy Izhevsk đã chế tạo dòng súng carbine dân sự Saga để đi săn và dùng cho vận động viên thể thao. Cảnh sát một số nước mua súng Saga (bắn súng cao su hoặc đạn gas) để trang bị cho nhân viên của họ.

Con trai Viktor của Mikhai Kalashnikov cũng nối nghiệp cha. Ông chính là người đã phát triển dòng súng tiểu liên tầm ngắn Bizon. 

Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)
Tạo hình ấn tượng súng AK-47 khổng lồ bằng hàng chục ô tô
Tạo hình ấn tượng súng AK-47 khổng lồ bằng hàng chục ô tô

Nhân Ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Nga, một sự kiện vô cùng bắt mắt đã diễn ra khi hàng loạt ô tô cùng phối hợp tạo hình thành khẩu súng trường AK-47 khổng lồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN