Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, ảnh phải) theo dõi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo "Pukguksong" từ tàu ngầm (ảnh trái) ngày 25/8. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Trong khi đó, tuy Triều Tiên chưa có hạm đội tàu ngầm đủ sức phóng được loại tên lửa mới phát triển này, song cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, nhất là sau khi họ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1 vừa qua, và tiếp tục tiến hành thêm hàng loạt vụ thử tên lửa sau đó, bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên hợp quốc (LHQ).
Theo một số chuyên gia được hãng tin Reuters dẫn lời, sau khi phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh của Planet, họ cho rằng ba nhà máy lớn chuyên phục vụ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện đã được hiện đại hóa và mở rộng. Điều này càng thể hiện sự quyết tâm của Triều Tiên trong việc hiện thực hóa tuyên bố dùng mọi nguồn lực, dù là khan hiếm, để đầu tư phát triển vũ khí.
Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trụ sở tại California (Mỹ), nói: "Triều Tiên đã tăng tốc đáng kể tiến độ các vụ thử tên lửa và đầu tư mạnh tay vào việc hiện đại hóa các nhà máy sản xuất tên lửa, điều chúng ta có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh. Sự đầu tư này đã mang lại kết quả với vụ thử tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn gần đây, song Triều Tiên vẫn chưa hoàn tất việc phát triển một tàu ngầm có thể mang tên lửa này".
Ông Lewis cho biết trong bức ảnh chụp ngày 22/8, ông thấy tại một nhà máy cũ ở vùng nông thôn cách thủ đô Bình Nhưỡng 60km, người ta đang xây dựng một số cơ sở hạ tầng mới, gia cố lại các tòa nhà cũ và đào lối vào nơi nhiều khả năng là một cơ sở dưới lòng đất.
Theo các chuyên gia, nhà máy này vốn được Triều Tiên sử dụng để sản xuất động cơ xe tăng, chế tạo các bộ phận tên lửa và nhiều khí tài quân sự khác. Trong khi đó, cũng qua các bức ảnh chụp vệ tinh, chuyên gia Lewis cho biết nhà máy Kanggye, được giới chuyên gia vũ khí cho là nơi lắp ráp và chế tạo đạn dược, cũng đã được nâng cấp từ năm ngoái. Theo thông tin từ một công nhân người Triều Tiên đào tẩu cung cấp cho Nhật báo Chosun của Hàn Quốc, đây là “căn cứ sản xuất vũ khí chính” của Triều Tiên.
Tuy nhiên, đối với Bình Nhưỡng, việc xây dựng hạm đội tàu ngầm dường như đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong các bức ảnh được Planet thu thập, người ta thấy một khu công trường mới đang dần hình thành tại căn cứ tàu ngầm Sinpo của Triều Tiên. Một bức ảnh chụp từ ngày 10/8 cho thấy người ta đang xây dựng một cơ sở mới bên cạnh bến cảng - hiện cũng đang được tân trang - bên trong khu căn cứ. Hiện vẫn chưa rõ có phải khu công trường này được sử dụng để đóng một tàu ngầm mới hay không.
Tháng 4 vừa qua, một quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức cần thiết để gắn vào tên lửa, song hiện vẫn chưa có bằng chứng chứng minh nhận định này. Mỹ cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố hoàn tất quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một mối đe dọa đáng lưu ý.
Nhà nghiên cứu kỳ cựu Yang Uk tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, và là cố vấn chính sách của lực lượng Hải quân Hàn Quốc, nói: “Tôi cho rằng Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Song họ chưa chế tạo thành công đầu đạn đủ tiêu chuẩn để lắp vào tên lửa. Họ vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và rút kinh nghiệm từ các vụ thử để chế tạo một đầu đạn đủ tiêu chuẩn”.
Giới chuyên gia dự đoán một thiết bị mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng sẽ là tên lửa tầm trung Rodong, vốn có thể bắn đầu đạn 1 tấn đi xa khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, bất chấp những mối đe dọa trong việc có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ, nhiều người cho rằng còn lâu Triều Tiên mới có thể chế tạo được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đủ sức mang theo đầu đạn hạt nhân.
Trong năm vừa qua, Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố về các đột phá trong công nghệ vũ khí. Mặc dù một số tuyên bố bị xem là chỉ mang tính khoe khoang, song các chuyên gia quốc tế đều nhận định các tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm cao, tầm xa và tốc độ so với trước đây, và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy những bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa bị cấm của quốc gia này. Tháng 6 vừa qua, sau hàng loạt thất bại liên tiếp, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa tầm trung, với hành trình có thể lên tới 3.500 km.
Việc hoàn thiện công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và có được hạm đội tàu ngầm đủ sức triển khai loại vũ khí này sẽ giúp Triều Tiên gia tăng mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ và Nhật Bản tại khu vực Thái Bình Dương, bởi tàu ngầm thường là loại vũ khí dễ tránh được các cuộc tấn công từ đất liền và có khả năng “vượt qua” nhiều loại lá chắn tên lửa tân tiến. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử SLBM gần đây là một “thành công vĩ đại” và Triều Tiên đã trở thành “một cường quốc hạt nhân hàng đầu”.
Ông Moon Keun-sik, một thuyền trưởng đã nghỉ hưu, và từng chỉ huy đội tàu chiến của Hàn Quốc, cho rằng các tàu ngầm truyền thống chạy bằng nhiên liệu diesel của Triều Tiên là một mối đe dọa hiện hữu, dù chúng đã cũ, song tàu ngầm có thể triển khai SLBM có thể sẽ trở thành nhân tố thay đổi cục diện khu vực. Ông nói: “Triều Tiên đã hoặc sẽ sớm sẵn sàng xúc tiến việc đóng một tàu ngầm mới, lớn hơn. Họ có thể bắt đầu công việc này ngay trong năm tới”.