Colombia trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên gia nhập NATO với tư cách “đối tác toàn cầu”. Ảnh: sofrep.com |
Bước đi có một không hai trong lịch sử khu vực Mỹ Latinh này không chỉ ảnh hưởng đến Colombia mà còn tác động tới các nước láng giềng và cả khu vực. Theo phân tích của các chuyên gia khu vực được tờ Sputnik đăng, những nước dễ bị ảnh hưởng của động thái trên gồm:
Venezuela
Theo nhà phân tích quốc tế Sergio Rodríguez Gelfenstein người Venezuela, "chính phủ Colombia, trong mong muốn thể hiện sự trung thành với Mỹ, đã vượt qua giới hạn mà không một chính quyền nào trước đó từng làm".
Ông Rodríguez Gelfenstein cảnh báo, sự kiện trên vi phạm những hiệp ước quốc tế như hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân ở Mỹ Latinh và Caribe, còn gọi là Hiệp ước Tlatelolco (Mexico), có hiệu lực từ năm 19.
Tổng thống Colombia giải thích rằng mặc dù nước ông tham gia NATO nhưng sẽ không tham gia các họat động quân sự. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Sergio Rodríguez, một khi tham gia một tổ chức như NATO - nơi một số quốc gia thành viên có vũ khí hạt nhân có thể chuyển đến Colombia - thì điều này sẽ vi phạm thỏa thuận về khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Ông Sergio Rodríguez cho rằng việc Colombia tham gia NATO là rất nguy hiểm đối với Mỹ Latinh vì các nước ở khu vực này từng phản đối Anh đưa tàu chiến trang bị vũ khí hạt nhân vào quần đảo Malvinas (Folkland) mà Anh chiếm giữ và đang tranh chấp với Argentina. Ông nhấn mạnh: Mỹ lâu nay đã duy trì các căn cứ quân sự tại Colombia, nhưng việc nước này tham gia NATO sẽ hợp thức hóa các căn cứ quân sự trên.
Ecuador
Giáo sư Trung tâm An ninh và Quốc phòng của Viện nghiên cứu quốc gia Ecuador, Daniel Pontón, cho rằng việc Colombia tham gia NATO có thể hiểu là “âm mưu phong tỏa chặt hơn nữa sự ảnh hưởng của Venezuela và (tư tưởng) Bolivar ở Mỹ Latinh”.
Ông cho rằng việc gia nhập NATO đặt ra câu hỏi thú vị và sẽ được trả lời trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 17/6 này ở Colombia. Nếu cuộc bầu cử không đem lại một sự thay đổi nào (ứng cử viên cánh tả không thắng cử) thì sự kiện gia nhập NATO của Colombia sẽ là “án tử đối với UNASUR”.
UNASUR (Liên minh các nước Nam Mỹ) được thành lập năm 2008 với sự tham gia của 12 nước Nam Mỹ với mục tiêu liên kết khu vực. Sự thay đổi chính quyền về phe cánh hữu và trung dung ở một số nước Nam Mỹ đã và đang làm rạn nứt UNASUR. Tháng 4/2018 vừa qua, các nước Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Paraguay và Peru đã quyết định ngừng tham gia UNASUR. Chỉ còn Bolivia, Ecuador, Guayana, Surinam, Uruguay và Venezuela ở lại tổ chức này.
Peru
Nhà kinh tế và phân tích người Peru, Óscar Ugarteche, cho rằng “sự tham gia của Colombia vào NATO là một thắng lợi của chính sách đối ngoại của Mỹ”, vì nó “đưa một nước Nam Mỹ vào Bắc Đại Tây Dương, nơi nó không thuộc về” và ưu tiên liên minh với châu Âu.
Ông cảnh báo: “Đây là một tín hiệu rằng Mỹ có thể muốn có những cuộc can thiệp của các liên minh châu Âu vào bán cầu này, giống như họ làm ở Trung Đông, để không phải tấn công một mình. Tôi tin rằng Mỹ biết không thể hành động ở Mỹ Latinh với sự giúp đỡ của các nước khác trong khu vực, vì sẽ không nước nào tham gia một cuộc phiêu lưu quân sự ở bán cầu này”.
Theo ông Óscar Ugarteche, Colombia là một nước được vũ trang mạnh, và có “tiền sử bạo lực” ở khu vực. Với sự tham gia của Colombia, mục tiêu của NATO có thể là Nicaragua hoặc Venezuela như họ đã can thiệp trong cái gọi là “những mùa xuân dân chủ” ở các nước Arab.
Ông Óscar Ugarteche cũng lo ngại Peru có thể thay đổi chính sách đối ngoại để tìm kiếm một liên minh giống như NATO vì “Peru là một đồng minh rất thân cận” của Colombia.
Brazil
Thư ký Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Brasil, José Reinaldo Carvalho, khẳng định: “Việc Colombia tham gia NATO là một tiền lệ vô cùng nghiêm trọng”, vi phạm một số thỏa thuận của các nước trong khu vực. Trong những thỏa thuận trên có Tuyên bố của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) năm 2014, rằng khu vực này là “khu vực hòa bình”.
Ông cho rằng sự tham gia của Colombia trong NATO “đe dọa ổn định và an ninh của tất cả các nước Mỹ Latinh, kể cả Colombia”. Với quyết định tham gia NATO, Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, một trong những tác giả của thỏa thuận hòa bình ký năm 2016 với nhóm vũ trang FARC và đoạt giải Nobel Hòa bình, có thể sẽ xóa bỏ những gì đã đạt được trong quá trình hòa giải ở Colombia. Ông Carbalho cảnh báo, động thái của Colombia sẽ thúc đẩy “cuộc phong tỏa ngoại giao và quân sự” chống Venezuela.
Về phản ứng của Brazil, ông Carvalho cho rằng “chính phủ đảo chính của (Tổng thống) Michel Temer có chính sách theo lệnh Mỹ và xâm lược các nước tiến bộ, đặc biệt là Venezuela”. Ông nói: “Brazil là một trong những nước đầu têu trong Nhóm Rio, từng tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử ở Venezuela”, vì thế ông tin là chính phủ Brazil sẽ không chống lại những gì Washington chỉ đạo.
Thư ký Ban Đối ngoại ĐCS Brazil cảnh báo: Việc Colombia gia nhập NATO là mưu đồ hòng đảo ngược những thành tựu về chủ quyền và liên kết các dân tộc ở Mỹ Latinh.