Estonia xây dựng tường kỹ thuật số chống UAV dọc biên giới với Liên bang Nga

Ngày 25/12, cơ quan cảnh sát và biên phòng Estonia cho biết nước này có kế hoạch chi 157 triệu euro tập trung vào việc củng cố phòng thủ tại khu vực thành phố Narva giáp ranh với Liên bang Nga.

Tổng Giám đốc Cục Cảnh sát và Biên phòng của Estonia, ông Egert Belishev, đã công bố kế hoạch xây dựng một “tường drone” tại biên giới với Liên bang Nga, bao gồm cả việc sử dụng các hệ thống kỹ thuật số để chặn các thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương.

Thông tin này được đăng tải trên Politico hôm 25/12 cùng với việc cho biết chương trình liên quan trị giá 157 triệu euro nhằm ủng cố hệ thống bảo vệ biên giới tại Narva, thành phố giáp ranh với Liên bang Nga.

Ngoài ra, ông Belishev cho biết Estonia dự định thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị gồm 1.000 người trên toàn quốc để “đối phó trong trường hợp xảy ra sự kiện lớn” bổ sung vào lực lượng 29.000 tình nguyện viên hiện đang được huấn luyện trong Liên đoàn Phòng thủ Estonia.

Tuy nhiên, Tallinn đã gặp phải một số khó khăn trong việc triển khai lực lượng này, đặc biệt là tại các khu vực gần biên giới với Nga như ở Narva, nơi ông Belishev nói rằng rất khó tìm được những người có quốc tịch Estonia và thông thạo tiếng Estonia để phục vụ trong lực lượng cảnh sát.

Xem video Thủ tướng Estonia, ông Kristen Michal trả lời phỏng vấn ngày 16/12/2024 nói rằng: “Với kinh nghiệm từ Estonia, tôi muốn nói rằng, thông điệp về việc châu Âu – khu vực giàu có nhất thế giới – cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và an ninh là một thông điệp được chúng tôi hiểu rất rõ. Chúng tôi cũng đang hành động phù hợp với điều đó, và có lẽ vì lý do này mà Estonia nằm trong top ba quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng”.

Theo topwar ngày 26/12, ý tưởng tạo ra một “tường drone” không phải là mới. Vào mùa xuân năm nay, Phần Lan, Na Uy, Ba Lan, Estonia, Litva và Latvia đã thống nhất kế hoạch xây dựng hệ thống bảo vệ tương tự tại biên giới với Liên bang Nga và Belarus. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào được đưa ra vào thời điểm đó.

Vấn đề lớn nhất là ai sẽ tài trợ cho kế hoạch tốn kém này. Các quốc gia Baltic, vốn phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ Liên minh châu Âu (EU), không có nguồn ngân sách dư dả để thực hiện một kế hoạch phức tạp và đắt đỏ như vậy.

Vào thời điểm đó, chính quyền các quốc gia này cho biết họ kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ EU, nhưng ngay cả các nền kinh tế hàng đầu EU như Pháp và Đức cũng đang gặp khó khăn về kinh tế, ngân sách và nợ công.

Hơn nữa, họ vẫn phải tìm cách đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã yêu cầu các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng lên nhiều lần.

Ví dụ từ Ba Lan cho thấy dự án như vậy sẽ tốn kém ra sao. Năm 2023, Ba Lan thông báo đang xây dựng một “hàng rào điện tử” tại biên giới với Liên bang Nga với các cảm biến và camera, và họ dự kiến chi tới 84 triệu USD cho dự án này, chỉ trên một đoạn biên giới dài 200 km.

Sau đó, có thông tin rằng Ba Lan cũng sẽ củng cố biên giới với Belarus, với số tiền khoảng 2,5 tỷ USD.

Phần Lan cũng bắt đầu xây dựng hàng rào tại biên giới với Liên bang Nga vào năm 2023, với 15 triệu euro được dự kiến chi cho đoạn đầu tiên dài 139 km. Tổng chiều dài biên giới trên đất liền giữa Liên bang Nga và Phần Lan là hơn 1.000 km.

Dự thảo ngân sách quốc gia của Phần Lan cho năm 2025 là 88,1 tỷ euro, với mức thâm hụt 12,2 tỷ euro.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Politico/topwar)
Tàu Nga bị chìm ở Địa Trung Hải sau ba vụ nổ liên tiếp trong ‘một hành động khủng bố’
Tàu Nga bị chìm ở Địa Trung Hải sau ba vụ nổ liên tiếp trong ‘một hành động khủng bố’

Oboronlogistika, chủ sở hữu cuối cùng của tàu chở hàng Ursa Major của Liên bang Nga khẳng định con tàu đã bị nhắm tới trong "một hành động khủng bố" và “ba vụ nổ liên tiếp” xảy ra trên tàu trước khi tàu bắt đầu bị ngập nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN