Theo tờ National (UAE) ngày 13/7, máy bay chiến đấu F-16 sẽ lần đầu tiên bay trên không phận Ukraine trong vài tuần tới, tăng cường đáng kể kịp thời cho khả năng phòng không của nước này.
Được các chuyên gia mô tả là "máy bay chiến đấu nhanh nhẹn nhất thế giới" - và là một yếu tố được thổi phồng rất nhiều tại hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này ở Washington D.C - máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất sẽ chủ yếu được sử dụng để bắn hạ loạt tên lửa hành trình, bom lượn và thiết bị bay không người lái (UAV) mà Nga sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Mặc dù phương Tây khó có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với các máy bay này liên quan đến chiến đấu trên lãnh thổ Nga, nhưng F-16 có thể sử dụng AMRAAM (tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) với tầm bắn 120km để bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương từ không phận Ukraine.
F-16 cũng có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc đột kích táo bạo vào các căn cứ không quân của Nga.
Nhưng liệu điều đó có đủ để xoay chuyển tình thế trước cuộc tấn công liên tục trong mùa hè này của Nga hay không vẫn còn phải chờ xem.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết hôm 11/7 rằng việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đang được tiến hành và chúng sẽ hoạt động ở Ukraine vào mùa Hè.
Ông Sullivan nói thêm rằng F-16 dự kiến sẽ bảo vệ lực lượng tiền tuyến trong ngắn hạn và giúp giành lại lãnh thổ "trong tương lai". Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Những chiếc F-16 đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào đầu tháng tới và tổng cộng 85 máy bay được Hà Lan, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch cam kết chuyển giao.
Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có khoảng 20 phi công được đào tạo để lái F-16. Nhưng gần như chắc chắn F-16 sẽ tham chiến vì lực lượng máy MiG-29 và Sukhoi-27 do Nga sản xuất của Ukraine đã bị ảnh hưởng đáng kể trong hai năm chiến đấu, với mỗi loại chỉ còn dưới 20 máy bay chiến đấu có thể hoạt động.
Gareth Jennings, biên tập viên về hàng không tại Janes, công ty tình báo quốc phòng, cho biết: "Ngay khi những máy bay phản lực mới này tăng cường sức mạnh cho lực lượng Ukraine, chúng sẽ cho phép họ trở nên táo bạo hơn nhiều trong nỗ lực tạo ra không gian an toàn dọc theo khu vực biên giới".
Ông Jennings nói thêm rằng F-16 không phải là loại máy bay hiện đại nhất, nhưng chúng đã được nâng cấp với hệ thống vũ khí và radar cải tiến.
Ukraine cũng chuẩn bị cho các máy bay chiến đấu đa năng này vai trò ném bom bằng cách cải tiến chúng để có thể sử dụng bom dẫn đường chính xác Jdam, tên lửa Hammer của Pháp và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh.
Ukraine dự kiến sẽ sử dụng chiến thuật F-16 của Israel là điều khiển máy bay chiến đấu để tiếp cận phạm vi bắn hạ tên lửa hành trình hoặc UAV di chuyển tương đối chậm bằng súng máy hoặc tên lửa.
Có khả năng Ukraine cũng sẽ sử dụng tên lửa không đối không AIM 120 để chống lại bom lượn do máy bay phản lực của Nga thả từ trong không phận của họ, có thể bay xa tới 60km và đã chứng minh được hiệu quả đáng gờm với các vị trí tiền tuyến của Ukraine.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Paul Beaver lập luận rằng máy bay F-16 sẽ không tham gia không chiến vì Nga đã thích nghi với việc tấn công bằng tên lửa cách không phận Ukraine hàng trăm km, thường là từ Biển Caspi.
“Đây không phải là vấn đề về quyền kiểm soát hay ưu thế trên không, mà là về phòng không và Ukraine có nhiều cơ hội vô hiệu hoá tên lửa đang bay hơn là tấn công máy bay sử dụng chúng sâu trong không phận Nga", ông Beaver nói.
Nhà phân tích máy bay quân sự Tim Ripley cho biết F-16 cũng có thể được sử dụng như một "lực lượng đột kích du kích" trong đó chúng phát hiện "điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga rồi tấn công mục tiêu quan trọng" và quay trở lại mà không bị bắn hạ.
Máy bay F-16 chắc chắn sẽ là mục tiêu quan trọng vì các tướng lĩnh của Nga hoàn toàn nhận thức được giá trị tuyên truyền của việc bắn hạ chúng.
Một chiếc F-16 chở đầy vũ khí có tầm hoạt động khoảng 500km, nghĩa là chúng sẽ phải bay từ các căn cứ ở miền Đông Ukraine để đến gần tầm bắn của vũ khí Nga.
Lực lượng không quân Ukraine được cho là đã phải chịu tổn thất 5 máy bay Su-27 tại sân bay Myrhorod vào tháng trước sau một cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander của Nga.
Do đó, họ sẽ tiếp tục chiến thuật bố trí máy bay ở phía Tây Ukraine trước khi bay tới các căn cứ phía đông, nơi chúng nhanh chóng tiếp nhiên liệu để tiếp tục nhiệm vụ.
Mặc dù có số lượng máy bay và phi công được đào tạo nhiều hơn đáng kể so với Ukraine, với hơn 500 máy bay chiến đấu, lực lượng không quân Nga vẫn chưa thể thiết lập được ưu thế trên không trong cuộc xung đột, một lợi thế mà quân đội các nước NATO thường coi là một mục tiêu chính.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine, từ các hệ thống Patriot đến tên lửa đất đối không tầm ngắn Starstreak và Stinger.
Không phải là "viên đạn bạc"
Theo ước tính của Ukraine vào tháng 4 năm nay, Nga đã mất hơn 340 máy bay cánh cố định và khoảng 320 trực thăng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2022. Nhận thức tình huống của họ càng bị cản trở hơn khi Ukraine bắn hạ một số máy bay cảnh báo sớm trên không của Nga.
Tỷ lệ này đã buộc các máy bay Nga phải chiến đấu từ bên trong không phận của mình để tránh bị bắn hạ. Tuy nhiên, chiến thuật đó hiện có thể chịu áp lực nếu Ukraine có thể triển khai hiệu quả F-16.
“Nhưng F-16 sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì Nga sẽ nhanh chóng tìm ra cách chống lại F-16 sau khi đã lường trước được điều này. Nhưng chúng rất hữu ích khi có thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của Ukraine”, Chuẩn tướng Ben Barry, thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết.
Ông Ripley cho rằng, F-16 có thể trở thành "xe tăng Leopard" trong cuộc tấn công mùa hè thất bại năm ngoái, khi loại xe tăng do Đức sản xuất được ca ngợi nhiều đã không thể vượt qua bãi mìn dày đặc.
“Đó là dự đoán của tôi, bởi vì F-16 sẽ đối mặt với một cuộc chiến tiêu hao trên không, nên không nằm ngoài khả năng một nửa số máy bay F-16 bị bắn hạ và một phần tư khác sẽ bị rơi vì chúng được đưa vào sử dụng vội vã và có nguy cơ gặp sự cố”, ông Ripley lưu ý.
Về phần mình, Jim Townsend, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhấn mạnh "mọi người không nên mong đợi phép màu" từ F-16 chống lại Nga. Điều dễ bị tổn thương là những sân bay phục vụ F-16 sẽ là "những mục tiêu hấp dẫn và Nga đã tấn công một số trong số chúng, chỉ như một lời cảnh báo với chiếc F-16 này".