Một cuộc điều tra do mạng tin EURACTIV.bg của Bulgaria thực hiện, mới được công bố hôm 6/3, phát hiện ra rằng vũ khí của nước này trị giá hàng tỷ đô la đã được chuyển đến Ukraine thông qua các quốc gia khác trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái.
Trở lại với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria khi đó, bà Kornelia Ninova, đã nhắc lại rằng Bulgaria sẽ không cho phép xuất khẩu vũ khí của nước này sang Ukraine.
Kể từ đó, việc gửi vũ khí đến Ukraine đã trở thành vấn đề chính gây tranh cãi giữa những người theo chủ nghĩa ủng hộ Nga và các đảng phái thân phương Tây ở Bulgaria. Mặc dù hoạt động buôn bán vũ khí trực tiếp chưa diễn ra, nhưng như phát hiện của EURACTIV.bg, hoạt động mua bán vũ khí gián tiếp đã diễn ra ngay cả trước khi xung đột bắt đầu.
Phản hồi về thông tin của EURACTIV.bg theo Đạo luật Tiếp cận Thông tin công cộng của nước này, Bộ Kinh tế Bulgaria cho biết: “Trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2022 đến ngày 19/1/2023, không có đơn xin giao dịch ngoại thương nào với các công ty và tổ chức nhà nước Ukraine được Ủy ban Kiểm soát Xuất khẩu Bulgaria xem xét và do đó, không có giấy phép xuất khẩu nào được cấp trong giai đoạn này”.
Ngay cả trước xung đột, từ đầu năm 2021 cho đến ngày 24/2/2022, Ukraine không thực hiện giao dịch trực tiếp nào với các công ty vũ khí của Bulgaria, vốn là nhà xuất khẩu vũ khí và đạn dược lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn của Liên Xô cho quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, riêng năm ngoái, Bulgaria đã xuất khẩu gián tiếp ít nhất 1 tỷ USD vũ khí sang Ukraine. Ngành công nghiệp vũ khí của Bulgaria đã đạt doanh số kỷ lục trong giao dịch với nước ngoài, chủ yếu là sang Ba Lan và Romania, nơi vũ khí được gửi đến sau đó chuyển sang Ukraine.
Các nhà máy vũ khí lớn thuộc sở hữu nhà nước của Bulgaria như ở Sopot, Karlovo và Kazanlak đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 100%. Alexander Mihailov, cựu Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước “Kintex” đã xác nhận mức xuất khẩu kỷ lục của Bulgaria trong năm nay.
“Khi có một cuộc xung đột vũ trang quốc tế, việc sử dụng các sản phẩm liên quan đến quốc phòng luôn gia tăng”, ông Mihailov nói, đồng thời cho biết thêm rằng các giấy phép xuất khẩu vũ khí do nhà nước Bulgaria cấp trong thời gian này tổng cộng khoảng 1,1 - 1,3 tỷ euro.
Velizar Shalamanov, từng là quyền Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria và cựu Chủ tịch Ban giám sát của Cơ quan Thông tin và Truyền thông NATO, người lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao vũ khí tới Ukraine, cho biết việc vận chuyển vũ khí được thực hiện thông qua các kế hoạch nước ngoài và được tài trợ bằng nguồn tài chính nước ngoài.
“Các công ty vũ khí của Bulgaria không bán vũ khí và đạn dược trực tiếp cho các công ty Ukraine. Có một chương trình được tài trợ bởi Anh, Mỹ và Ba Lan. Thông qua chương trình này, các vũ khí cần thiết cho Ukraine được mua, nghĩa là không phải tiền của Ukraine mà là của Anh, Mỹ, Ba Lan hoặc châu Âu. Đó là lý do tại sao vũ khí từ Bulgaria được mua thông qua các công ty khác", ông Shalamanov giải thích.
Theo ông Shalamanov, có những yếu tố hợp lý khác khiến các công ty Bungaria không bán hàng trực tiếp cho Ukraine, nhưng những yếu tố này đã dẫn đến một loại “cách tiếp cận tam giác”, vốn cực kỳ hữu ích cho Bulgaria, cả về mặt tài chính và hình ảnh, cũng như với Ukraine.
“Tức là, tất cả các bên đều có lợi”, ông Shalamanov, người gần đây đã vận động để Bulgaria bàn giao tất cả các xe tăng và xe bọc thép thời Liên Xô và thay thế chúng bằng các thiết bị hiện đại từ các đồng minh NATO, nêu rõ, lưu ý thêm rằng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội Bulgaria.
Việc chuyển giao có thể áp dụng cho xe tăng T-72, máy bay Su-25 và MiG-29. Ông Shalamanov chỉ ra CH Séc và Ba Lan, những quốc gia đã làm như vậy, là những ví dụ điển hình.