Theo đài Sputnik (Nga), ngày 4/4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chấm dứt hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự. Khi Phần Lan gia nhập liên minh này, biên giới của NATO đã mở rộng gần 1.300 km trên bộ và trên biển. Vậy Phần Lan có thể trợ lực những gì cho các đồng minh của nước này?
Lực lượng bộ binh
Phần Lan là một trong số ít các quốc gia châu Âu vẫn duy trì quân đội nghĩa vụ, dù có nhiều thập kỷ hòa bình sau Thế chiến thứ 2. Mỗi năm, Phần Lan tuyển khoảng 21.000 lính nghĩa vụ mới. Thời gian nhập ngũ trong khoảng từ 180 đến 362 ngày. Kể từ năm 1994, phụ nữ Phần Lan cũng có thể tham gia phục vụ quân đội, mặc dù chỉ là tự nguyện.
Sau khi tại ngũ, họ trở thành một phần của lực lượng dự bị gồm 280.000 binh sĩ. Trong số đó, khoảng 10.000 người sẽ được triệu tập đến các khóa bồi dưỡng thường niên. Các nhân viên hợp đồng bao gồm 12.000 người, 8.000 trong số đó là quân nhân.
Trong trường hợp cần thiết, gần 900.000 người Phần Lan trong độ tuổi từ 17 đến 60 phải chịu trách nhiệm phục vụ quân đội ở đất nước 5,5 triệu dân.
Trong thời bình, Quân đội Phần Lan bao gồm 8 lữ đoàn, được trang bị 239 xe tăng chiến đấu chủ lực - gồm 100 chiếc Leopard 2A6 và 139 chiếc Leopard 2A4. Ngoài ra, Quân đội nước này cũng sở hữu 212 xe chiến đấu bộ binh – gồm 110 chiếc BMP2MD do Liên Xô sản xuất và 102 chiếc CV9030 FIN do Thụy Điển sản xuất, cùng với khoảng 1.100 xe bọc thép chở quân cả đường bộ và đường sắt – trong đó có khoảng 400 chiếc MT-L do Liên Xô sản xuất.
Phần lớn xe tăng 2A4 của Phần Lan mua từ Đức từ năm 2002 - 2004 và số lượng đã tăng lên trong năm 2009. Helsinki cũng mua 100 xe tăng 2A6 từ Hà Lan từ năm 2015 đến 2019.
Lực lượng pháo binh
Phần Lan cũng là đất nước có pháo binh mạnh ở châu Âu. Nước này sở hữu 48 khẩu pháo tự hành 155 mm và 72 khẩu 122 mm, 740 đơn vị pháo kéo - bao gồm gần 500 chiếc 122 H63 do Liên Xô sản xuất và hơn 1.600 súng cối, cũng như 27 máy bay trực thăng – 20 chiếc trong số đó là NH90.
Theo giới chuyên gia, với lực lượng pháo binh hùng mạnh - nhiều quân hơn cả Đức và Pháp cộng lại - quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này có khả năng tạo ra “cú đấm thép”.
Quân đội Phần Lan cũng đang trang bị hệ thống radar phản pháo ELTA do Israel sản xuất, có khả năng định vị và theo dõi các tên lửa, đạn pháo và hỏa lực súng cối của đối phương đang lao tới.
Năng lực phòng không
Về năng lực phòng không, Phần Lan sở hữu ít nhất 650 tên lửa. Quốc gia Bắc Âu này cũng đang trong quá trình mua thêm tên lửa từ Saab Dynamics của Thụy Điển và Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael của Israel. Hệ thống phòng không quan trọng của nước này là NASAMS 2 do Na Uy và Mỹ chế tạo, chúng tương thích với hệ thống của NATO.
Phần Lan đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình đấu thầu hệ thống phòng không tầm cao mới từ Israel Aerospace Industries hoặc Rafael Advanced Systems.
Về máy bay không người lái (UAV), Phần Lan có số lượng UAV Orbiter không được tiết lộ và đang trong quá trình mua thêm 2.000 chiếc, bao gồm hàng trăm UAV lái Parrot Anafi, tương tự những chiếc được Quân đội Mỹ sử dụng.
Kể từ khi tham gia công ước cấm mìn Ottawa vào năm 2012, Phần Lan đã phá hủy hơn 1 triệu quả mìn sát thương. Tuy nhiên, sau đó nước này đã thay thế bằng các hệ thống mìn thông minh điều khiển từ xa.
Lực lượng không quân
Lực lượng Không quân Phần Lan được thiết lập thành 3 bộ chỉ huy không quân, mỗi bộ chỉ huy điều hành một phi đội máy bay chiến đấu.
Lực lượng Không quân Phần Lan có một phi đội gồm 61 máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F/A-18 Hornet, đang được thay thế bằng 64 máy bay Lockheed Martin F-35A Lightning II. Đây được coi là hoạt động mua sắm quân sự thời hiện đại lớn nhất đất nước này và dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Ngoài phi đội máy bay phản lực, Lực lượng Không quân Phần Lan còn sở hữu hàng chục máy bay huấn luyện và radar giám sát. Trong đó, có những chiếc có tầm hoạt động gần 500 km.
Phần Lan gia nhập NATO tác động đến an ninh vùng Baltic như thế nào?
Hải quân Phần Lan thực hiện các nhiệm vụ ven biển, được huấn luyện cũng như trang bị vũ khí để bảo vệ lãnh hải ở Biển Baltic.
Lực lượng hải quân Phần Lan sở hữu 8 tàu tên lửa – gồm 4 tàu lớp Hamina và 4 tàu lớp Rauma, 4 tàu chỉ huy, 5 tàu rải mìn, 13 tàu quét mìn và 3 tàu rà phá thủy lôi, ngoài ra còn có một tàu đổ bộ nhỏ hơn.
Phần Lan cũng đang chế tạo 3 tàu hộ tống đa năng mới phục vụ chiến đấu trên biển và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2029.
Từ năm 1998, Hải quân Phần Lan cũng có lính thủy đánh bộ.
Ngân sách và căn cứ quân sự
Với ngân sách quân sự hàng năm khoảng 6 tỷ USD, Phần Lan đã chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Khoản ngân sách này đáp ứng mục tiêu chi tiêu của NATO cho các quốc gia thành viên do liên minh này đặt ra vào năm 2014.
Về vấn đề đặt căn cứ quân sự, truyền thông quốc tế nhận định rằng dù phần lớn dư luận Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, nhưng họ đang bất đồng về việc đặt căn cứ thường trực của NATO trên lãnh thổ nước này. Do đó, giới chuyên gia cho rằng trong những năm đầu gia nhập NATO, giải pháp của Phần Lan là tạm triển khai quy mô căn cứ nhỏ.
Tác động của việc Phần Lan gia nhập NATO với quan hệ Nga - Phần Lan
Moskva đã nhiều lần cảnh báo việc mở rộng NATO đến gần biên giới Nga sẽ khiến khu vực này trở nên mất ổn định và không an toàn.
Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko tuyên bố Nga sẽ tăng cường tiềm lực quân sự ở phía Tây và Tây Bắc để đáp trả việc Helsinki gia nhập NATO. Nhà ngoại giao này cũng cam kết Moskva sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự, nếu lực lượng hoặc tài sản của các thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan.