Đài RFI dẫn ý kiến của chuyên gia Gilles Boquerat, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, cho rằng hợp đồng trên là một thương vụ mua bán vũ khí có lợi cho Ấn Độ và việc trang bị máy bay chiến đấu Rafale của Pháp giúp New Delhi thoát khỏi phần nào tình trạng độc quyền của Nga, nguồn cung cấp máy bay gần như duy nhất cho không quân Ấn Độ từ Sukhoi-30 cho đến Mig-21.
Trên thực tế, tập đoàn Dassault không phải là bạn hàng mới của Ấn Độ. Dassault đã vào thị trường Ấn Độ từ thập niên 1950, từng bán cho Ấn Độ máy bay oanh tạc phản lực Ouragan, tiếp theo là Mirage-4 và đến thập niên 1970 là máy bay chiến đấu Mirage-2000. Song, phần lớn vũ khí quân đội Ấn Độ sử dụng là do Liên Xô và sau này là Nga cung cấp. Ấn Độ có truyền thống mua máy bay chiến đấu của Liên Xô. Một phần vì hai nước là đồng minh chiến lược thời chiến tranh Lạnh. Lý do khác là vũ khí của Nga bền chắc và rẻ hơn vũ khí phương Tây. Mua vũ khí của Liên Xô, Ấn Độ còn được hưởng các điều kiện tốt về tín dụng.
Máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, New Delhi tìm cách đa dạng hóa nguồn vũ khí, đầu tiên là với Israel, sau đó là Mỹ. Nước Mỹ trở thành nguồn cung cấp vũ khí số một cho Ấn Độ và hiện nay là Pháp với hợp đồng máy bay chiến đấu Rafale.
Theo nguồn tin quốc phòng, không quân Ấn Độ hiện có 30 phi đoàn phản lực, mỗi phi đoàn gồm 18 máy bay. Trong khi đó, nhu cầu an ninh được thẩm định là phải cần 42 phi đoàn. Máy bay chiến đấu Rafale có thể mang tên lửa hạt nhân, với ba khả năng vừa trinh sát, vừa nghênh chiến và oanh tạc yểm trợ chiến thuật trên bộ, trên biển. Rafale còn trang bị tên lửa có tầm hủy diệt máy bay đối phương ở độ cao 3.000m và với khoảng cách 100 km.
Từ nhiều năm nay, Ấn Độ suy tính đến khả năng đối phó cùng lúc với hai cuộc chiến từ Pakistan và từ Trung Quốc. Với 250 chiếc Sukhoi-30 cộng thêm 36 chiếc Rafale, quân đội Ấn Độ đã có một bước nhảy vọt so với Pakistan. Giới chuyên gia nhận định việc bổ sung thêm 36 máy bay chiến đấu hiện đại Rafale sẽ góp phần tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của Không quân Ấn Độ, khi các máy bay chiến đấu MiG-21 trong tổng số 32 phi đội máy bay của Ấn Độ sẽ hết hạn sử dụng trong các năm tới. Cho đến năm 2015, Ấn Độ mới chỉ có 35 phi đội chiến đấu mà mỗi phi đội chỉ gồm 18 chiếc. Trong khi đó, không quân Ấn Độ dự trù phải cần ít nhất 42 phi đội để có thể bảo vệ được đường biên giới phía tây và bắc với Pakistan và Trung Quốc. Đội máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ hiện tại không những thiếu mà còn lạc hậu, gồm chủ yếu toàn những loại máy bay đã cũ kỹ và không đồng bộ.
Năm 2015, trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Ấn Độ, một đại diện của không quân đã báo cáo là từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ rút lại chỉ còn 25 phi đội máy bay chiến đấu. Về số lượng, như vậy là ngang bằng với Pakistan. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn phải rất chú ý tới mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay. Năm 2012, Ấn Độ bắt đầu đàm phán riêng với Dassault trong dự án mua 126 máy bay chiến đấu hiện đại với điều kiện được chuyển giao công nghệ. Nhưng hợp đồng khổng lồ đó đã không thể đạt được vì giá thành chuyển giao công nghệ của Rafale quá cao. Hai bên đã phải trải qua nhiều cuộc thương lượng để xích dần từng bước lại với nhau. Hồi tháng Năm vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết Chính phủ Ấn Độ sẽ điều chỉnh lại việc đặt hàng sau khi thảo luận với lực lượng không quân.
Từ thập niên 1980, báo chí Mỹ đã nói đến tham vọng của Ấn Độ phát triển hải quân thành một lực lượng có khả năng “vươn ra đại dương” chứ không chỉ quanh quẩn trong biển Ấn Độ.