Được khích lệ bởi các gói hợp đồng bán vũ khí trị giá 32 tỉ USD cho đồng minh và đối tác trong tháng 7 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng cung cấp vũ khí giúp các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nâng cao tiềm lực quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến trước truyền thông nước ngoài ngày 20/8, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách lĩnh vực chính trị-quân sự Clarke Cooper thông báo tháng 7 vừa qua ghi nhận mốc kỉ lục đối với Bộ Quốc phòng nước này về giá trị các hợp đồng quân sự được kí kết. Nổi bật trong số đó là thỏa thuận Nhật Bản đặt mua 105 tiêm kích F-35 trị giá 23,1 tỉ USD.
Danh sách hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho đối tác năm 2020 cho thấy Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí không quân và hải quân cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong số này có thương vụ Indonesia đặt mua 8 máy bay Osprey cùng thiết bị đi kèm trị giá 2 tỉ USD; gói nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 cho Đài Loan/Trung Quốc trị giá 620 triệu USD, hợp đồng cung cấp, nâng cấp máy bay do thám Peace Krypton cho Hàn Quốc với giá trị 250 triệu USD, cùng với đó là gói cung cấp trực thăng vũ trang AH-64E Apache, AH1-Z Viper cùng tàu hộ tống, tàu tấn công cho Philippines tổng trị giá gần 2 tỉ USD.
Xu hướng này diễn ra tại thời điểm Mỹ liên tục bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, tăng cường quan hệ đối tác ngoại giao với các nước trong khu vực và tiến hành tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với đồng minh và đối tác.
Theo Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ), làm sâu sắc hợp tác an ninh với đối tác “cùng chí hướng” có vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ. Và việc cung cấp cấp vũ khí như vừa nêu sẽ hỗ trợ các nước nằm trong vành đai của “Chuỗi đảo thứ nhất” trong quan niệm của Trung Quốc (chạy từ Okinawa, qua Đài Loan, tới phía bắc Philippines và bán đảo Mã Lai ) tăng cường được năng lực chống tiếp cận, chống phong tỏa (A2/AD) trước sức ép từ Bắc Kinh.
Nhưng khi Mỹ tăng cường chuỗi bạn bè ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vẫn còn đó những di sản của một kỉ nguyên khác. Hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn đang trên đà phát triển, ông Cooper nói về đối tác vốn là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới trong năm năm trở lại đây theo tính toán của Viện nghiên cứu Hòa bình có trụ sở ở Stockholm.
Nhưng ngay cả khi giảm dần các đơn hàng nhập khẩu vũ khí từ Nga trong thời gian này, Ấn Độ vẫn là đối tác thương mại quân sự lớn nhất của Moskva. Ông Cooper kỳ vọng sẽ thay đổi thực tế này, khi Ấn Độ gần đây đối đầu gay gắt với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp dọc dãy Himalaya.
Nhưng sẽ không dễ để sớm buộc Ấn Độ từ bỏ vũ khí Nga để quay sang vũ khí Mỹ, khi quan hệ đối tác truyền thống Nga-Ấn có lịch sử lâu đời, còn chính sách không liên kết của New Delhi là nhân tố kìm hãm đà tiến trong quan hệ quốc phòng-an ninh Mỹ-Ấn.
Giới phân tích nhận định, yếu tố Trung Quốc có vai trò trong việc kích thích mua sắm vũ khí Mỹ tại khu vực. Theo Sameer Lalwani, chuyên gia cao cấp, giám đốc chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson (Mỹ), không phải ngẫu nhiên các nước thuộc vành đai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường nhập khẩu vũ khí công nghệ cao từ Mỹ.
Ông cho rằng, những nước này ngày một lo ngại trước việc Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận hiếu chiến, quyết đoán hơn tại khu vực. Đơn cử như việc Indonesia và Philippines mới đây đã phản đối hành động hung hãn của tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc hộ tống.
“Những chủng loại vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp sẽ giúp các nước trong khu vực nâng cao tiềm lực trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong bối cảnh tuyên bố và hành động đòi chủ quyền của Trung Quốc gây đe dọa tới lãnh thổ này. Đây là cách thức gián tiếp giúp củng cố tầm nhìn của Mỹ về tự do hàng hải, tự do lưu chuyển hàng hóa’, ông Lalwani bình luận.