Chưa đầy 12 giờ sau khi tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên thệ nhậm chức, một vụ nổ xảy ra đã làm rung chuyển khu phức hợp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở trung tâm Tehran. Mục tiêu là ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas, vị khách danh dự tại lễ nhậm chức và là một trong những người bị truy nã gắt gao nhất Trung Đông. Vụ nổ đã khiến ông Haniyeh thiệt mang ngay tức khắc.
Hamas và Iran đều cáo buộc Israel thực hiện vụ ám sát. Israel cho đến nay không phủ nhận song cũng không thừa nhận đứng sau vụ tấn công. Trong khi đó, tân Tổng thống Iran Pezeshkian đã bị đưa vào tâm chấn của cơn bão quốc tế mà các nhà phân tích cảnh báo có thể dẫn đến cuộc chiến toàn diện, nhấn chìm Trung Đông.
Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh “tấn công trực tiếp vào Israel” để đáp trả. “Trả thù cho cái chết của ông Haniyeh là 'nhiệm vụ của chúng ta'”, ông Khamenei tuyên bố.
Trung Đông thường xuyên đứng bên bờ vực thảm họa trong những tháng căng thẳng khi Hamas phát động cuộc tấn công vào miền Nam Israel từ Gaza ngày 7/10/2023.
Đến tháng 4, sau khi Israel ám sát các chỉ huy cấp cao của IRGC tại lãnh sự quán Iran ở Damascus, Tehran đã phóng hàng trăm tên lửa và thiết bị bay không người lái trong cuộc tấn công trực diện đầu tiên vào Israel kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Một liên minh quốc tế đặc biệt - bao gồm các lực lượng không quân Mỹ, Anh, Pháp, Saudi và Jordan - đã hỗ trợ Israel đánh chặn và phá hủy hầu hết các tên lửa này.
Các báo cáo trên phương tiện truyền thông Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang gấp rút tiến hành một hoạt động đa quốc gia tương tự, nhưng một số quốc gia có thể không đồng ý tham gia vào hoạt động này một lần nữa.
Chuyên gia phân tích của tờ The Guardian là Simon Tisdall nhận định, sự miễn cưỡng rõ ràng này phản ánh sự phẫn nộ sâu sắc đối với Israel với cáo buộc ám sát thủ lĩnh Haniyeh, cùng với vụ ám sát một chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Beirut trước đó. Nhiều người coi đây là hành động khiêu khích liều lĩnh và leo thang. Các vụ ám sát này một lần nữa đã dập tắt hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Động thái tiếp theo của Iran có thể quyết định liệu Trung Đông có rơi vào hỗn loạn hay không. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Iran với tư cách là cường quốc thống trị khu vực đã gia tăng sau ngày 7/10/2023. “Trục kháng chiến” chống Israel và Mỹ bao gồm các nhóm Hồi giáo ở Liban, Syria, Iraq và Yemen, hiện là một thế lực lớn mạnh, thách thức trật tự do phương Tây lãnh đạo, cũng đã được thiết lập.
Lực lượng Hezbollah ở Liban
Hezbollah ở Liban, một tổ chức chính trị và quân sự người Shia, là lực lượng phi nhà nước hùng mạnh nhất thế giới. Israel ước tính họ có khoảng 45.000 tay súng được huấn luyện và sở hữu tới 150.000 tên lửa, cùng nhiều thiết bị bay không người lái. Các chuyên gia cho biết Hezbollah có thể phóng từ 2.500 đến 4.000 tên lửa mỗi ngày ở bất kỳ nơi nào tại Israel trong ba tuần và có khả năng áp đảo hệ thống phòng không Vòm Sắt của Tel Aviv.
Nhà phân tích Tisdall nói rằng cho đến nay, Iran vẫn chưa muốn Hezbollah tham gia vào một cuộc tấn công toàn diện, chủ yếu coi nhóm này là lực lượng phòng thủ trước Israel. Mặc dù đã có những cuộc giao tranh xuyên biên giới thường xuyên kể từ ngày 7/10/2023, nhưng ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah, vẫn chưa hỗ trợ tích cực và toàn diện cho Hamas. Tính toán đó có thể thay đổi sau vụ ám sát chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah, ông Fuad Shukr, vào tuần trước tại Beirut.
Iraq
Ngay từ đầu, Iraq đã có lập trường không khoan nhượng về cuộc xung đột ở Gaza, lên án cuộc tấn công của Israel và từ chối chỉ trích Hamas. Điều này phản ánh sự ủng hộ truyền thống của quốc gia này đối với Palestine.
Iraq có lực lượng thân Iran và các nhóm này đã nhiều lần tấn công lực lượng Mỹ ở quốc gia này và Syria. Sau khi binh sĩ Mỹ hứng chịu ít nhất 165 cuộc tấn công từ ngày 7/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh không kích Iraq vào tháng 2 để đáp trả vụ 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Jordan.
Nỗi lo cuộc chiến trên toàn khu vực có thể thu hút các lực lượng ở Iraq và Syria đã gia tăng sau ba cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong những ngày gần đây, đánh dấu sự leo thang trở lại của các cuộc giao tranh. Để đáp trả, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở phía nam Baghdad vào tuần trước.
Khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn ở Iraq và khoảng 900 binh sĩ ở Syria, được giao nhiệm vụ chống khủng bố.
Houthi ở Yemen
Lực lượng Houthi ở Yemen là lực lượng người Shia, phản đối mạnh mẽ sự tồn tại của nhà nước Israel.
Sau cuộc tấn công Gaza của Israel, lực lượng Houthi bắt đầu bắn tên lửa vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ có liên kết với Israel và các đồng minh thân cận như Mỹ và Anh. Điều đó đã kích hoạt phản ứng quân sự của phương Tây, bao gồm cả việc ném bom vào các vị trí phóng của Houthi.
Mối đe dọa từ Houthi đã leo thang đáng kể vào tháng trước khi lực lượng này tấn công một tòa nhà chung cư ở Tel Aviv bằng thiết bị bay không người lái có vũ trang, khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Israel đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả vào cảng Hodeidah ở Biển Đỏ.
Lực lượng Houthi cũng đã đụng độ với đồng minh của Mỹ và Saudi Arabia trong cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen. Nhà phân tích Tisdall cho rằng họ chắc chắn sẽ đối đầu với Israel.
Mỹ và châu Âu
Mỹ và châu Âu cũng có thể nhanh chóng bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. Washington đang duy trì các căn cứ không quân, hải quân lớn và dự kiến thực hiện các cuộc triển khai phòng thủ mới trong khu vực.
Các quan chức Mỹ dự đoán Iran sẽ tiến hành cuộc tấn công trả đũa lớn hơn hồi tháng 4, bao gồm cả việc kích hoạt các lực lượng thân Iran ở Iraq, Syria và Liban.
Tuy nhiên, đòn bẩy của Mỹ đã giảm đi. Tổng thống Biden vẫn chưa từ bỏ kế hoạch về một cuộc đàm phán gắn lệnh ngừng bắn ở Gaza và các cuộc thảo luận của Israel với Chính quyền Palestine về giải pháp hai nhà nước, cùng các đảm bảo an ninh khu vực khác của Mỹ. Thỏa thuận này nhằm mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa "quả bom hẹn giờ" Palestine và làm suy yếu Iran. Song giờ đây, có vẻ như đó là một giấc mơ không thể thực hiện.
Qatar và Ai Cập
Qatar và Ai Cập đã đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza. Cả hai đều bày tỏ nỗi thất vọng và lo ngại về những diễn biến leo thang hồi tuần trước.
Đề cập đến vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh, Thủ tướng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, đã viết trên X: “Những vụ ám sát chính trị và việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào dân thường ở Gaza trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn khiến chúng ta phải tự hỏi, làm sao hòa giải có thể thành công khi một bên ám sát người đàm phán ở phía bên kia?”.
Cảnh báo rằng hòa bình cần những đối tác nghiêm túc, các nhà quan sát cho rằng ông có dường như sắp bỏ cuộc.
Ai Cập cáo buộc Israel phá hoại hòa bình. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: “Leo thang trong khu vực kết hợp với thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza làm tăng thêm tính phức tạp của tình hình và cho thấy Israel không có ý chí chính trị để xoa dịu tình hình”.
Giống như nước láng giềng Jordan, Ai Cập đặc biệt lo ngại về khả năng xung đột lan rộng từ Gaza và hậu quả là tình trạng cực đoan hóa và bất ổn trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm 28/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề xuất triển khai hoạt động quân sự tiềm tàng vào Israel để ủng hộ người Palestine.
“Giống như chúng ta đã tiến vào Karabakh và như cách chúng ta đã tiến vào Libya, có lẽ chúng ta sẽ làm điều tương tự với Israel. Không có gì chúng ta không thể làm. Chúng ta phải mạnh mẽ”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, và Israel dường như không có khả năng xảy ra vào thời điểm hiện tại.