Căn cứ không quân Incirlik
Căn cứ không quân Incirlik nằm cách biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria 110 km. Cơ sở này có tầm chiến lược quan trọng với NATO và quân đội Mỹ.
Mỹ đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng căn cứ không quân Incirlik từ năm 1955 để đối trọng với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nơi đây là địa điểm kích hoạt các chiến dịch tại Trung Đông như chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, chiến dịch Tự do Bền vững tại Afghanistan và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã xếp những lực lượng Mỹ ủng hộ tại Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố. Trong khi đó, Mỹ chọn căn cứ Incirlik là nơi hỗ trợ không lực cho SDF. Điều này đã gây bất đồng trong quan hệ giữa Ankara và Washington.
Người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng cho biết Thổ Nhĩ kỳ có khả năng từ chối Mỹ tiếp cận căn cứ Incirlik. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ còn từng cảnh báo về khủng hoảng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa căn cứ Incirlik nhưng đã tăng áp lực qua việc trì hoãn chấp nhận các chiến dịch trên không của Mỹ từ cơ sở này.
Ngoài ra, Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ cho rằng từ Chiến tranh Lạnh, bom hạt nhân B61 được cất tại căn cứ Incirlik. Tuy nhiên, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO chưa bao giờ xác nhận thông tin này.
Dưới đây là video chiến đấu cơ Mỹ luyện tập tại căn cứ Incirlik (nguồn: AP):
Các đóng góp
Đài Sputnik (Nga) cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách NATO. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp 101 triệu USD cho NATO.
Thành viên gia nhập NATO từ năm 1952 này còn sở hữu lực lượng quân đội lớn nhất trong số 29 thành viên của khối, chỉ đứng sau Mỹ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã đặt cơ sở chỉ huy tại tỉnh Izmir và triển khai hệ thống radar quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ còn cho NATO sử dụng các căn cứ không quân chiến lược Incirlik và Konya. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia vào chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông.
Biển Aegean và Biển Đen
Thổ Nhĩ Kỳ đã trợ lực hải quân cho các chiến dịch của NATO tại Biển Aegean đồng thời dẫn đầu khu vực về sáng kiến tại Biển Đen. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn kiểm soát hai eo biển chiến lược nằm giữa Biển Đen và Địa Trung Hải là Bosphorus và Dardanelles.
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu – Tướng Ben Hodges - cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng quan trọng với liên minh bởi năng lực quân sự và địa chính trị. Biển Đen là bệ phóng để Nga tiến vào Địa Trung Hải cùng Trung Đông do vậy có 3 tuyến phòng thủ: eo Bosphorus và Dardanelles, các đảo của Hy Lạp và đảo Crete. Đó là lý do NATO mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập”.
Sản xuất F-35
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nhóm 9 quốc gia đầu tư và đóng góp vào quá trình sản xuất các bộ phận quan trọng của tiêm kích F-35. Việc Mỹ ngưng chuyển F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ buộc nhà sản xuất Lockheed Martin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi tìm kiếm nguồn cung thay thế. Điều này được cho có thể gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất F-35.