Tấn công Syria - Mũi tên trúng nhiều đích của ông Trump

Mỹ và đồng minh Anh, Pháp đã nã một loạt tên lửa tấn công chính xác vào Syria ngày 14/4 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, mục tiêu không chỉ đơn thuần là trừng phạt chính phủ Syria với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Douma.

Trong một bài phát biểu trước người dân cả nước, ông Trump còn gửi đi một thông điệp cứng rắn tới Nga và Iran, hai nước đã hỗ trợ lực lượng trên bộ và trên không cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad suốt thời gian qua.

Ông Trump nói: “Quốc gia nào mà lại muốn dính líu tới kẻ sát nhân hàng loạt phụ nữ, đàn ông, trẻ em. Người ta có thể đánh giá các quốc gia thông qua bạn bè của họ”. Ông Trump còn gọi hành vi sử dụng vũ khí hóa học của ông Assad “không phải là hành động của con người”.

Ông Trump có nhiều mục đích khi tấn công Syria. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Douma ngày 7/4 vẫn chỉ là nghi vấn, chưa có kết quả điều tra chính thức đáng tin cậy. Hơn nữa, Nga còn cáo buộc tổ chức White Helmets dàn dựng vụ tấn công để vu oan cho Syria.


Mặc dù vậy, tên lửa đã nã vào Syria. Thủ đô Damascus chìm trong khói lửa. Các mục tiêu Mỹ nhắm tới đều gắn với chương trình vũ khí hóa học của Syria.


Theo tờ The New Yorker, cuộc tấn công Syria dường như rộng hơn về quy mô và có thể kéo dài hơn là vụ tấn công năm 2017.


Tổng thống Mỹ cam kết sẽ cùng đồng minh sẵn sàng duy trì hành động này cho tới khi chính phủ Syria ngừng sử dụng chất hóa học bị cấm. Ông tuyên bố: Chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ.


Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ngày 13/4 cũng cáo buộc: Syria đã sử dụng chất độc làm vũ khí ít nhất 50 lần trong 7 năm cuộc chiến (các lần cáo buộc này đều bị chính phủ Syria bác bỏ kiên quyết).


Trong bài phát biểu, ông Trump đặc biệt chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã không giữ lời hứa năm 2013 là loại bỏ kho chất hóa học của Syria. Ông Trump cho rằng Nga phải quyết định có đi theo con đường ủng hộ ông Assad hay không.


Từ London, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chiến dịch quân sự chung “không chỉ là can dự vào một cuộc nội chiến. Cũng không phải là thay đổi chế độ. Đó là một cuộc tấn công có mục tiêu và hạn chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình trong khu vực và sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn thương vong dân thường”.


Theo bà May, Syria đã khiến phương Tây không còn lựa chọn khả thi nào hơn là dùng vũ lực. Bà nói rằng chiến dịch “cũng sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới bất kỳ ai tin rằng có thể sử dụng vũ khí hóa học mà không bị trừng phạt”.


Người sử dụng mạng xã hội ở Syria đã đăng ảnh và video ánh chớp chói lòa khi các quả bom nhằm vào mục tiêu ở đây.


Tại Damascus, đài truyền hình Syria đưa tin đêm khuya rằng lực lượng phòng thủ Syria đã bắt đầu phòng thủ chống Mỹ, Anh và Pháp khiêu khích.


Cuộc tấn công ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng ra ngoài Trung Đông, đáng lưu ý là ở Mỹ và Nga.


Ngay trước vụ tấn công, một không khí Chiến tranh Lạnh mới đã bao trùm hai quốc gia, đe dọa trở thành chiến tranh nóng khi Nga cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào nhằm vào Syria và phản công tại khu vực mà họ bị nã tên lửa.


Ông Alexander Zasypkin, Đại sứ Nga tại Liban, đầu tuần nói: “Tên lửa sẽ bị bắn hạ và kể cà người bắn tên lửa”.


Cuộc tấn công quân sự đã gửi một thông điệp lần thứ ba cho Nga trong những tuần gần đây trong bối cảnh Syria nóng như lửa và Nga có ảnh hưởng lớn ở đây.


Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã ủng hộ Syria trong cả cuộc nội chiến và chống khủng bố.


Nga liên tục bác bỏ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, coi đây là một vụ dàn dựng cố ý. Nga tuyên bố rằng các chuyến kiểm tra thực địa tại Douma không phát hiện dấu vết chất độc nào, và không có ai chết cũng như cần cấp cứu vì dính chất độc hóa học.


Cuộc phô diễn sức mạnh của Mỹ và châu Âu cũng có thể thách thức sự can sự quân sự của Iran tại Syria.


Chiến dịch cũng phô trương sự đoàn kết của phương Tây và diễn ra một tuần sau những cuộc bàn thảo căng thẳng giữa ông Trump, bà May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.


Chiến dịch này là lần thứ hai trong ba tuần qua mà các nước phương Tây thực hiện hành động kiên quyết cùng nhau. Lần đầu là phản ứng trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga sau vụ hạ độc một cựu điệp viên mà Nga bị cáo buộc là thủ phạm. Nga cũng bác bỏ cương quyết cáo buộc này.


Đối với ông Trump, cuộc tấn công vào Syria có thể giúp tăng cường vị thế của ông cả ở trong và ngoài nước.


Theo The New Yorker, nó cho thấy sự kiên quyết của ông trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 5. Không kích Syria cho thấy ông Trump sẵn sàng dùng tới vũ lực khi ngoại giao thất bại.


Vụ việc cũng đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Trump gia tăng lên 43% và tỷ lệ phản đối giảm sau khi ông tấn công Syria lần đầu năm 2017.


57% người Mỹ ủng hộ chiến dịch năm 2017. Vụ tấn công năm 2017 cũng khiến giới Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ ông Trump.


Ít nhất là trong hiện tại, cuộc không kích Syria vừa rồi sẽ lái chú ý của dư luận Mỹ khỏi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Vừa mới đây, luật sư riêng của ông Trump là Michael Cohen đã bị lục soát văn phòng và nhà riêng để điều tra.


Tuy nhiên, hiệu ứng của vụ tấn công Syria sẽ hạn chế về lâu dài và vụ tấn công mâu thuẫn với quan điểm của ông Trump rằng không can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài.


Cuộc tấn công khó có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới kết quả của nội chiến Syria. Chính phủ Syria đã củng cố sức mạnh ở hầu hết các thành phố lớn.


Thùy Dương/Báo Tin tức
 Syria công bố ảnh cuộc sống trở lại bình thường tại Damascus sau đòn không kích
Syria công bố ảnh cuộc sống trở lại bình thường tại Damascus sau đòn không kích

Hãng thông tấn Nhà nước Syria (SANA) ngày 14/4 vừa công bố loạt ảnh nhằm khẳng định cuộc sống đã trở lại bình thường tại thủ đô Damascus và các thành phố khác sau khi hứng đòn tên lửa từ Mỹ, Anh, Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN