Triều Tiên đã tiến bộ thế nào với chương trình phát triển tên lửa tầm xa?

Sau một loạt các vụ thử tên lửa trong những năm gần đây của Triều Tiên, nhiều chuyên gia cho rằng trong vòng 4-5 năm tới nước này có thể phát triển thành công một loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đủ khả năng vươn tới các thành phố nằm trong phần lục địa của nước Mỹ.

Theo tạp chí Time, mục tiêu được Triều Tiên công khai tuyên truyền lâu nay là phát triển một loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới phần lục địa của Mỹ. Đây không phải là ý chí nhất thời của nhà lãnh đạo tối cao hiện nay của Triều Tiên – trong thực tế, đây là tham vọng được ông Kim Jong-un kế thừa từ người cha đã khuất của mình. Từ năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó, cố chủ tịch Kim Jong-il, đã tuyên bố “răn đe hạt nhân là nhằm bảo vệ chủ quyền của dân tộc trước mối đe dọa hạt nhân trắng trợn của Mỹ cùng chính sách ngày càng thù địch của nước này.”

Tên lửa tầm trung Pukkuksong-2 (Polaris-2).

Từ khi lên thay thế, ông Kim Jong-un dường như đã dồn tất cả mọi nguồn lực có thể cho mục tiêu này, mà giới phân tích phương Tây cho rằng sự thành công (hay thất bại) của kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân sẽ quyết định tương lai của chế độ hiện nay ở Triều Tiên. Sau đợt thử hạt nhân vào đầu năm 2016 của Triêu Tiên, Liên hợp quốc (LHQ) đã phải gấp rút cho ra một loạt các biện pháp trừng phạt được xem là chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng không đủ để ngăn chặn Triều Tiên thử nghiệm đợt thứ 5 sau đó.

Tạp chí Time dẫn nhận định của các chuyên gia về Triều Tiên nhìn chung đều cho rằng trong vòng 4-5 năm tới nước này có thể phát triển thành công một loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đủ khả năng hủy diệt một thành phố nằm trong phần lục địa của nước Mỹ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng trong bối cảnh tình hình hiện nay, khoảng thời gian nói trên hoàn toàn có thể bị thu hẹp. Ông Thae Yong Ho, cựu Phó Đại sứ Triều Tiên tại London (Anh) đã đào tẩu sang Hàn Quốc cuối năm ngoái, cho rằng Triều Tiên đang muốn khai thác tình cảnh “rối ren” tại Mỹ sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống và bê bối chính trị dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất để thúc đẩy mục tiêu hiện thực hóa năng lực tên lửa hạt nhân “bằng mọi giá ngay trước cuối năm 2017”.

Ông Nathan J. Hunt, phụ trách mảng thiết kế 3D tại hãng phân tích an ninh Strategic Sentinel tại Washington D.C. (Mỹ), đã xây dựng mô hình các cơ sở hạt nhân và mẫu tên lửa của Triều Tiên suốt 16 năm qua. Theo chuyên gia này, khoảng thời gian 4-5 năm nói trên là “khá chính xác”. Tuy nhiên, thời gian phát triển năng lực cùng tầm bắn của tên lửa không phải là những vấn đề duy nhất. Chuyên gia này lưu ý rằng Triều Tiên cũng đã làm chủ được khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm cũng như việc “đóng hộp” thành công loại tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 (Polaris-2) mà nước này thừa nhận đã bắn thử nghiệm ngày 12/2 vừa qua, sớm hơn nhiều so với các dự báo trước đó. Những bước đột phá này có nghĩa là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được lắp ghép thành phẩm trong các ống phóng được kiểm soát và có khả năng cơ động mọi nơi, mọi lúc. Ông Hunt cho biết: “Triều Tiên có thể dựng ống phóng, khởi động và khai hỏa ngay chứ không còn phải qua khâu nạp nhiên liệu cho tên lửa như trước kia.”

Tuy nhiên, loạt thử tên lửa gần đây nhất ngày 6/3 vừa qua có lẽ mang giá trị tuyên truyền hơn là chứng tỏ được năng lực thực sự của Triều Tiên khi ba trong số bốn tên lửa được phóng đi đã rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản. Đây đều là những tên lửa thế hệ cũ đã được nâng cấp tầm bắn với mục đích sử dụng trong phạm vi khu vực, và nhiều khả năng vụ thử nghiệm được tiến hành nhằm biểu dương sức mạnh trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc thực hiện các cuộc tập trận quân sự thường niên mà từ trước đến nay Triều Tiên vẫn xem là bước chuẩn bị nhằm xâm lược nước này. Bên cạnh đó, trong tuần qua Hàn Quốc cũng vừa tiếp nhận khẩu đội Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đầu tiên từ Mỹ, trước sự tức giận của cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Khó có thể coi đợt thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là thành công, khi ít nhất đã có quả tên lửa thứ năm không rời khỏi bệ phóng. Tuy nhiên, vụ thử này vẫn có giá trị chiến lược quan trọng vì đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa quân sự từ Trạm phóng Vệ tinh Sohae – thực ra là từ một bãi trống lân cận – vốn là nơi được dùng để phóng vệ tinh vũ trụ hoặc thực hiện các thử nghiệm tĩnh đối với động cơ tên lửa.  Được phóng từ một căn cứ như Trạm phóng Vệ tinh Sohae giúp tên lửa có được tầm cao lý tưởng trên bầu trời bán đảo Triều Tiên trước khi chuyển hướng đến mục tiêu – quy trình tiêu chuẩn dành cho các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Điều này cho thấy nhiều khả năng Triều Tiên đang làm quen với việc phóng tên lửa tầm ngắn từ căn cứ Sohae trước khi bắt tay vào phóng thật sự với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chuyên gia Hunt cho rằng: “Bằng cách này họ sẽ không mấy bỡ ngỡ khi tiến hành thử ICBM thực thụ.”

Phóng vệ tinh từ Trạm phóng Sohae.

Thử nghiệm ICBM chưa bao giờ là một việc dễ dàng, với loại tên lửa có quỹ đạo bay chia thành nhiều giai đoạn, và luôn là thách thức cũng như thành tựu công nghệ quân sự của bất kỳ quốc gia nào. Là một quốc gia khó khăn “trăm bề” vì bị cô lập, Triều Tiên vẫn thử nghiệm thành công những vụ phóng hai giai đoạn. Tuy nhiên nước này vẫn cần phải hoàn thiện quy trình ba giai đoạn để thực sự phát triển được năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến Mỹ phải đứng ngồi không yên.

Nói ngắn gọn, để bắn tới được những thành phố lớn trong nội địa nước Mỹ (San Fransisco cách 8.200km; New York cách 10.800km), Triều Tiên sẽ cần một loại tên lửa có khả năng đạt được độ cao cần thiết để ra khỏi tầng khí quyển của Trái đất rồi lại quay vào mà không bị hư hại vì nhiệt độ cao, trong khi vẫn phải mang theo một đầu đạn hạt nhân đã thu nhỏ đến đúng mục tiêu dự tính. Đây chưa bao giờ là một sứ mệnh dễ dàng. Ngay cả các cường quốc tên lửa trên thế giới cũng phải mất đến nửa thế kỷ để tạm gọi là sở hữu được công nghệ này và sẽ còn thêm nhiều thời gian nữa để thực sự hoàn thiện nó.


Những biện pháp trừng phạt của LHQ vào tháng 3 năm ngoái được đưa ra nhằm ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bằng cách giới hạn việc nhập khẩu những nguyên liệu chuyên biệt, chất lượng cao. Các chuyên gia phương Tây thừa nhận, những biện pháp trừng phạt đã ít nhiều làm chậm tiến độ của dự án, nhưng Triều Tiên đang sở hữu những nhà khoa học tên lửa “cực kỳ xuất sắc” và họ đã tìm ra những giải pháp xử lý cho một loạt những vấn đề phát sinh. Triều Tiên đã thử nghiệm vỏ chịu nhiệt cho tên lửa sớm hơn dự báo của bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực đưa tên lửa đạn đạo quay lại tầng khí quyển mà không bị hư hại sẽ được phát triển trong thời gian tương đối ngắn sắp tới.

Một khi đã có tên lửa ICBM thì vấn đề còn lại chỉ là gắn đầu đạn hạt nhân lên đó. Triều Tiên hiện sở hữu nguyên liệu hạt nhân đủ cho 15 đầu đạn như vậy, nhưng công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của nước này có lẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng tính khả thi. Hiện tại Triều Tiên đã thành công trong việc thu gọn đường kính một quả bom hạt nhân xuống còn khoảng nửa mét. Vì vậy theo chuyên gia Hunt, việc cho ra các phiên bản nhỏ hơn là “gần như trong tầm tay”.

Sơ đồ thiết kế của loại tên lửa ICBM KM14 - mới công bố chứ chưa hề được thử nghiệm – cho thấy có một khoang ở phần mũi có lẽ để dành cho đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Ông Hunt nhận định Triều Tiên có thể sẽ phóng thử nghiệm KM14 hoặc một phiên bản mẫu tương tự ngay trước mùa thu năm nay. Vì vậy mốc thời gian “từ 4-5 năm” dường như mỗi lúc một ngắn lại hơn bao giờ hết.  Tuy nhiên, một trong những điều khiến Mỹ “e dè” nhất có lẽ lại là tính chất “hàng chợ” rất khó dự báo của tên lửa đạn đạo do Triều Tiên chế tạo. Tên lửa KM14 mới nhất được Triều Tiên tuyên truyền là có tầm bắn đến 15.000km, nhưng các chuyên gia phương Tây đánh giá con số thật có lẽ là khoảng 6.000km. Hơn nữa, các thành phố trong nội địa nước Mỹ cũng chưa hẳn đã là ưu tiên thực sự của Triều Tiên để nhắm các tên lửa của mình vào đó. Những hòn đảo Guam và Hawaii có vẻ là những mục tiêu “dễ xơi”, chưa kể đến con số 28.000 và 50.000 binh sỹ Mỹ đang đóng tại hai nước láng giềng của Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuấn Anh (Tin Tức/TTXVN)
Ông Kim Jong-un phấn khởi xem phóng tên lửa đạn đạo
Ông Kim Jong-un phấn khởi xem phóng tên lửa đạn đạo

Theo dõi cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo đang thu hút sự chú ý của thế giới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vỗ tay cười phấn khởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN