Trung Quốc "chuyển hướng" tại biển Hoa Đông

Truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định dùng các giàn khoan trên biển Hoa Đông làm cơ sở quân sự.

Ngày 6/8, Tokyo đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện hàng trăm tàu thuyền của nước này ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên của Trung Quốc hiện diện tại vùng giáp ranh gần các hòn đảo không người ở mà Bắc Kinh cũng có tuyên bố chủ quyền. Đại diện của bộ này cho biết thực tế số lượng tàu thuyền lớn hơn nhiều so với con số thống kê nói trên.

Diễn biến trên xảy ra một ngày sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc chớp nhoáng tiến vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong ngày 5/8, buộc Tokyo phải triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối.

Tàu hải giám Trung Quốc tại vùng biển gần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi được hỏi về sự phản đối của Tokyo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh lại quan điểm của nước này rằng “đó là lãnh thổ không thể tranh cãi” của Bắc Kinh. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cũng kêu gọi Nhật Bản tránh “bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp hơn nữa”.

Một quan chức của Cục Hải dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng hành động “đơn phương này gây căng thẳng” và “không thể chấp nhận được”. Theo giới chức Nhật Bản, các tàu hải giám của Trung Quốc dường như ra khơi để "bảo vệ các tàu cá". Sự phản đối mới nhất này của Tokyo gây thêm căng thẳng trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng châu Á, và xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ cái gọi là bản đồ “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 7/8 đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện một radar của Trung Quốc được đặt trên một giàn khoan thăm dò dầu khí gần khu vực có tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Theo Tokyo, loại rađa này thường được các tàu tuần duyên sử dụng và không cần thiết cho các hoạt động khai thác dầu khí. Truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định dùng các giàn khoan này làm cơ sở quân sự.

Theo lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, được hãng tin AFP trích dẫn, Tokyo đã phát hiện ra thiết bị rađa này hồi cuối tháng 6/2016 và đã trao công hàm phản đối thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc vào ngày 5/8, trong đó yêu cầu Bắc Kinh giải thích hành động trên. Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng việc dựng các giàn khoan thăm dò dầu khí trên biển Hoa Đông, đồng thời cáo buộc rằng việc Trung Quốc đơn phương mở rộng các giàn khoan là phá vỡ thỏa thuận năm 2008 - cam kết duy trì hợp tác trong quản lý tài nguyên tại vùng biển chưa có ranh giới chính thức giữa hai nước.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc đã yêu cầu Singapore “tôn trọng” quan điểm của Bắc Kinh về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Singapore-Mỹ, ông Lý Hiển Long đã có bài phát biểu tại buổi tiếp do Phòng Thương mại Mỹ và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN tổ chức, nhấn mạnh rằng: “Các phán quyết của toà quốc tế đặt ra trật tự cho thế giới, nhất là trong khi các quốc gia có tranh chấp” và “tốt hơn là có sự phân xử của Tòa Trọng tài dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận thay vì giao tranh để xem ai mạnh hơn”.

TTXVN/Tin Tức
Ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc ở Biển Đông
Ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc ở Biển Đông

Nắm trong tay quân đội lớn nhất thế giới, hải quân đang được hiện đại hóa cùng các chương trình tên lửa, cũng như có những động thái hung hăng ở Biển Đông nhưng Trung Quốc cũng không thoát khỏi nỗi sợ từ màn phô diễn sức mạnh hải quân do Mỹ và các đồng minh tiến hành tại RIMPAC 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN