Dự án bí mật trên do quân đội tài trợ, được giải mật một phần thông qua bài báo được đăng tải trên Tạp chí Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân vào ngày 2/7 vừa qua. Đây là bài viết hiếm hoi miêu tả về một cuộc thử nghiệm trên thực địa đối với phương tiện không người lái dưới nước (UUV).
Vụ thử nghiệm này được cho là diễn ra tại Eo biển Đài Loan từ hơn một thập kỷ trước. Hiện vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc lại tiết lộ thông tin chi tiết về vụ thử ở thời điểm này nhưng căng thẳng trên Eo biển Đài Loan gần đây đã leo thang lên mức cao nhất sau nhiều thập niên.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời Giáo sư Liang Guolong và các đồng nghiệp của Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân - một trong những viện nghiên cứu tàu ngầm hàng đầu của Trung Quốc - cho hay các thiết bị không người lái hiện nay phần lớn là hoạt động riêng lẻ nhưng nếu nâng cấp về công nghệ thì có thể làm việc theo nhóm. Một dạng cải biến của tàu ngầm có thể được đặt dưới đáy biển và được kích hoạt trong trường hợp xảy ra đụng độ hoặc chiến tranh.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những đòi hỏi cho chiến tranh dưới nước trong tương lai mang lại cơ hội phát triển mới cho các nền tảng không người lái”. Hầu hết các tàu ngầm đều trang bị siêu máy tính để giúp xác định hoặc theo dõi mục tiêu nhưng nhân viên điều khiển định vị sóng âm vẫn cần sử dụng tai và mắt để phán đoán các vấn đề quan trọng như xác định các tàu thân thiện, với các quyết định cuối cùng do thuyền trưởng đưa ra.
"Sự phức tạp của môi trường bên ngoài khiến người điều khiển radar thỉnh thoảng cần tinh chỉnh thiết bị định vị sóng âm để cải thiện kết quả tìm kiếm và theo dõi", Giáo sư Liang chia sẻ.
Trên tàu ngầm không người lái, tất cả các hệ thống phụ như thu thập thông tin, phát hiện mục tiêu, đánh giá, kiểm soát trạng thái và tham số phải có khả năng ra quyết định hoàn toàn độc lập, khiến một số công nghệ tàu ngầm truyền thống vô dụng đối với một nền tảng không người lái.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không đưa ra vị trí chính xác nhưng tọa độ từ bản đồ trong bài báo cho thấy các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thả một tàu ngầm không người lái ngoài khơi bờ biển phía đông tỉnh Phúc Kiến, trong hoặc gần Eo biển Đài Loan.
Thiết bị lặn không người lái được lập trình để kiểm tra khoảng 10 mét dưới bề mặt nước theo một lộ trình định trước. Tại một địa điểm khác, các nhà nghiên cứu đã triển khai một kỹ thuật giả lập có thể tái tạo tiếng ồn của thiết bị lặn không người lái chuyển sang chế độ chiến đấu ngay sau khi các thiết bị cảm ứng âm thanh của nó nhận được tín hiệu từ xa.
Nó quay vòng theo hình lục giác và hướng các mảng sóng âm của nó tới nhiều nguồn âm thanh khác nhau, trong khi trí tuệ nhân tạo cố gắng lọc ra tiếng ồn xung quanh và xác định tính chất của mục tiêu, theo các nhà nghiên cứu. Một quả ngư lôi từ thiết bị lăn không người lái đã bắn trúng tàu ngầm mô phỏng. Vì lý do an toàn, ngư lôi đã không được nạp thuốc nổ.
Cuộc thử nghiệm trên được thực hiện vào 2010, là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm mô phỏng việc theo dõi và đánh chìm một tàu ngầm hoàn toàn không cần đến con người trong môi trường mở, Giáo sư Liang và các đồng nghiệp viết trong bài báo.
Đáng lưu ý, các tàu ngầm không người lái có thể mắc sai lầm và bị đối phương làm gián đoạn liên lạc với chỉ huy là con người. Và liệu một robot sát thủ có nên được thả tự do để săn và giết con người hay không vẫn là một vấn đề đạo đức bị lên án.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã yêu cầu Boeing chế tạo 4 thiết bị lặn không người lái cực lớn Orca và Nga gần đây cũng triển khai một tàu ngầm mới có thể phóng một thiết bị lặn không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân có hỏa lực đủ để quét sạch các thành phố.
Theo Giáo sư Liang, Israel và Singapore đã thử nghiệm hoặc triển khai các cỗ máy tương tự trên các đại dương. Dự án tàu ngầm không người lái của Trung Quốc bắt đầu vào đầu những năm 1990, rất lâu trước khi trí tuệ nhân tạo trở nên thông dụng như ngày nay.
Mặc dù không có ghi nhận nào về việc sử dụng chúng trong thực chiến nhưng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc kể từ đó đã phát triển, tích hợp những cải tiến trong công nghệ định vị sóng âm, trí tuệ nhân tạo và thông tin liên lạc giúp chúng phối hợp hoạt động như hạm đội và thực hiện các cuộc tấn công vào cùng một mục tiêu từ các vị trí khác cùng lúc.
Giáo sư Liang Guolong viết thêm rằng với nguồn cấp điện thế hệ mới, các thiết bị này có thể ẩn nấp trong thời gian dài để phục kích kẻ thù. Thiết bị lặn không người lái là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị của các quốc gia khác trên đại dương thông qua sự đột phá về trí tuệ nhân tạo.
Các nền tảng không người lái của Trung Quốc đã triển khai hoặc đang xây dựng bao gồm tàu mặt nước, thiết bị lướt tầm xa có thể vượt đại dương để thu thập thông tin, trạm nghiên cứu dưới đáy biển và thiết bị không người lái có thể vừa bay trên không vừa lặn dưới nước.
Xem video robot tự nạp năng lượng của Trung Quốc lặn xuống điểm sâu nhất thế giới (nguồn: SCMP):