Ngày 5/12/1994, lãnh đạo các nước bao gồm Nga, Ukraine, Kazakhstan, Belarus, Mỹ và Anh đã ký Bản ghi nhớ Budapest, quy định các bên “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đổi lại Kiev phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bản ghi nhớ này làm tiền đề để Ukraine tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Đài Sputnik dẫn lời Peter Garashchuk – cựu đặc phái Ukraine tại NATO cho rằng Kiev có đầy đủ khả năng trí tuệ, tổ chức và tài chính để phát triển và tự sản xuất vũ khí hạt nhân của riêng nước mình.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Obozrevatel TV của Ukraine, ông Garashchuk khẳng định bên cạnh việc chế tạo bom nguyên tử, Kiev còn có khả năng phát triển đầu đạn hạt nhân dành cho tên lửa. Vào thời đó, nhà máy duy nhất làm nhiệm vụ sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nằm ở thành phố Ukraine Dnepropetrovsk, và “cả Mỹ, Nga lẫn Trung Quốc đều chưa thể tạo ra bản sao một ICBM lớp Satan”.
Ông Garashchuk còn chỉ ra khi nói đến chế tạo vũ khí hạt nhân, Kiev sẽ không còn sợ hãi trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ukraine đã đồng thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân và tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 12/1994, khi giới chức nước này cùng với các nhà lãnh đạo khác thuộc Nga, Kazakhstan, Belarus, Mỹ và Anh ký Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh.
Đầu năm nay, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ngỏ tín hiệu sẵn sàng sửa đổi hiến pháp để có thể hợp pháp hóa việc thúc đẩy Kiev gia nhập EU và NATO.