Các chiến thuật quân sự mới của Mỹ và NATO được huấn luyện vội vàng cho một số lữ đoàn của quân đội Ukraine đang thất bại vì Kiev không chiếm ưu thế trên bầu trời, do đó các lực lượng của Ukraine dường như đang xem xét quay lại chiến thuật quen thuộc để xuyên thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.
Quân đội Ukraine, hiện đã bước vào cuộc phản công mùa hè hơn 2 tháng, với sự kết hợp kỹ thuật chiến đấu của NATO cùng với các thiết bị phương Tây, như xe tăng và xe bọc thép do Mỹ cung cấp.
Tuy nhiên, một báo cáo cho thấy việc huấn luyện của NATO có thể không thành công như mong đợi: “Quân đội Ukraine hiện đã gạt bỏ các kỹ thuật chiến đấu của Mỹ và quay trở lại các chiến thuật mà họ hiểu rõ nhất”, tờ Newsweek của Mỹ dẫn lời các chuyên gia mới đây cho biết.
Theo các chuyên gia, có một lý do chính cho vấn đề này: Để các lực lượng Ukraine thành công với các chiến thuật của phương Tây và NATO, họ cần ưu thế trên không - điều mà Kiev không có.
Đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu Hamish de Bretton-Gordon, người trước đây chỉ huy lực lượng phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân của Anh và NATO, cho biết: “Để cách tiếp cận của phương Tây hoạt động hiệu quả, Ukraine cần có tất cả các yếu tố và yếu tố then chốt là lực lượng không quân”.
Các nước phương Tây đã chuyển hàng chục tỷ USD cho Ukraine để hỗ trợ an ninh, nhưng viện trợ này không bao gồm các máy bay chiến đấu của phương Tây như F-16 hoặc trực thăng tấn công tiêu chuẩn của NATO.
Một số chuyên gia cho biết kỹ thuật chiến đấu của NATO, vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát bầu trời, cũng chỉ mới được thử nghiệm trong những năm gần đây trên các chiến trường mà liên minh này có ưu thế trên không.
Davis Ellison, một nhà phân tích chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh (HCSS) ở Hague, nói: “Hiện gần như không có thành viên nào của lực lượng vũ trang NATO từng trải qua trận chiến gần như những gì quân đội Ukraine đã trải qua trong 18 tháng qua. Phương thức chiến tranh trên bộ của NATO chưa bao giờ được thử nghiệm trước một đối thủ lớn cấp quốc gia (như Nga), mặc dù đã có hàng thập kỷ đầu tư và huấn luyện".
Trong các trường hợp như ở Iraq và Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, “các lực lượng Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng thiết lập ưu thế trên không”, Paul van Hooft, một nhà phân tích khác từ HCSS, nói với tờ Newsweek.
Nick Reynolds, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu về An ninh và Quốc phòng Anh (RUSI), nhận định với Newsweek: Các lực lượng vũ trang Ukraine đã trải qua khóa huấn luyện cấp tốc của NATO để thay thế học thuyết chiến tranh thời Liên Xô, vốn không quá khác biệt so với các kỹ chiến thuật chiến đấu mà các lực lượng Nga áp dụng. Một số yếu tố của học thuyết thời Liên Xô về cơ bản khác với các kỹ chiến thuật mà các lực lượng phương Tây huấn luyên cho các đơn vị của Ukraine.
Theo ông Reynolds, ngoài ra còn có “sự thiếu hụt lớn về nhân sự có kinh nghiệm” khi những binh sĩ Ukraine có kinh nghiệm thường không tham gia khóa huấn luyện chiến thuật mở rộng của phương Tây.
“Không có gì ngạc nhiên khi quân đội Ukraine đã từ bỏ một số khóa huấn luyện của phương Tây vì kinh nghiệm và sự thích nghi của họ trên chiến trường hơn hẳn các khái niệm thời bình của phương Tây. Chúng tôi có nhiều điều để học hỏi từ các lực lượng Ukraine hơn là họ có thể học hỏi từ chúng tôi”, chuyên gia Ellison lưu ý.
Về phần mình, Lawrence Friedman, Giáo sư nổi tiếng về nghiên cứu quân sự tại Đại học Hoàng gia ở London (Anh) nhận định với tờ The New Voice of Ukraine rằng, sự phụ thuộc sai lầm vào một chiến lược tấn công quyết đoán và nhanh chóng, mà quân đội Mỹ đã quen thuộc do có lợi thế về nhiều lĩnh vực trong giao tranh, đang bóp méo kỳ vọng của các quan chức và nhà phân tích phương Tây về cuộc phản công của quân đội Ukraine.
“Thay vì chuẩn bị cho các cuộc đấu pháo cường độ cao, họ (phương Tây) muốn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và quyết đoán có thể nhanh chóng kết thúc một cuộc xung đột với chi phí tối thiểu. Họ đã tính đến các đòn tấn công chớp nhoáng kiểu Đức, sử dụng tốc độ (cơ động) để vượt qua các vị trí mạnh nhất của đối phương và khiến đối phương bất ngờ”, Giáo sư Friedman nói thêm.
Ông Friedman cũng cho rằng những thành công của Mỹ trong các cuộc chiến tranh gần đây là kết quả của cả hỏa lực áp đảo và sự cơ động vượt trội. "Sau thất bại của quân đội Iraq vào tháng 2/1991, các nhà lý luận quân sự bắt đầu mô tả các hình thức chiến tranh dựa trên nhận thức tình huống đặc biệt kết hợp với vũ khí chính xác cao, hỏa lực tầm xa và hành động táo bạo, nhanh chóng khiến đối phương hoang mang và mất phương hướng”, Giáo sư Friedman nêu rõ.
Tuy nhiên, Giáo sư Friedman nhấn mạnh rằng việc đánh giá quá khắt khe những thành công quân sự của Ukraine có thể không mang lại lợi ích, trong cuộc phản công của Ukraine chắc chắn gặp nhiều thách thức. Nếu không có lợi thế về hỏa lực, bất kỳ quân đội nào cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được thắng lợi.