Trong một buổi thuyết trình hồi tháng 3 năm ngoái, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton mang tới hội nghị của hãng eBay chủ đề “thúc đẩy vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc”. Chỉ 20 phút diễn thuyết đã đem lại cho bà 315.000 USD.
Chưa đầy 2 tháng sau đó, bà Hillary được Giám đốc điều hành của eBay, John Donahoe và vợ, Eileen đón tiếp tại nhà riêng ở khu vực vịnh San Francisco; họ là một trong những người đầu tiên gây quỹ cho chiến dịch tranh cử tổng thống mới công bố của bà Hillary.
Bà Hillary phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ ở Thung lũng Silicon, California ngày 24/2/2015. |
Hai sự kiện này đã cho thấy mối quan hệ tài chính gần gũi giữa cựu đệ nhất phu nhân Mỹ với các đại gia công nghệ, vốn đã trả hàng triệu USD cho bà và chồng - cựu Tổng thống Bill Clinton, trong khoảng 1 tháng trước khi bà khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Các tài liệu do bà Hillary đệ trình bị rò rỉ cho thấy vợ chồng bà đã kiếm được khoảng 25 triệu USD cho các buổi diễn thuyết chỉ từ tháng 1/2014. Trong khi sự nghiệp diễn thuyết đầy béo bở của ông Bill Clinton kể từ khi rời Nhà Trắng vào năm 2001 được biết đến rộng rãi, thì những khoản thu nhờ tài hùng biện của bà Hillary kể từ khi thôi nắm giữ chức ngoại trưởng chỉ mới lần đầu tiên được tiết lộ. Những thông tin tài chính cho thấy cách mà nhà Clinton kiếm lời là lôi kéo một mạng lưới những người đã ủng hộ các chiến dịch tranh cử và hoạt động từ thiện của họ - đổi lại những người ủng hộ có được một hướng tiếp cận tới vị tổng thống tiềm năng trong tương lai.
Theo một phân tích của tờ Washington Post về những tiết lộ mới của bà Hillary Clinton thì Thung lũng công nghệ cao Silicon là một nơi có rất nhiều lợi ích chồng chéo cùng tồn tại. Ngoài 11,7 triệu USD mà bà Hillary kiếm được từ 51 buổi diễn thuyết kể từ tháng 1/2014, các nhà phân tích còn phát hiện bà thu về tới 3,2 triệu USD từ các công ty công nghệ. Bà cũng là ứng cử viên tổng thống tiềm năng duy nhất nhận tiền chi trả cho cá nhân từ các tập đoàn, các tổ chức thương mại và các nhóm lợi ích khác chỉ vài tháng trước khi khởi động chiến dịch tranh cử. Trong một số trường hợp, những buổi diễn thuyết đã đem lại cho bà cơ hội nói với người nghe về chiến dịch tranh cử sắp tới của mình, cũng như thảo luận về các vấn đề chính trị mà chính quyền trong tương lai có thể sẽ phải đối mặt.
Những công ty trả tiền cho bà Hillary diễn thuyết bao gồm các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Xerox, Cisco Systems và Qualcomm, cũng như các công ty mới nổi, các tổ chức thương mại tập trung trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm.
Có thể thấy rõ lằn ranh mờ giữa cá nhân và chính trị trong những trường hợp các công ty trả tiền diễn thuyết cho bà Hillary có dính líu tới những cá nhân ủng hộ mạnh mẽ cho chiến dịch tranh cử của bà. Salesforce.com là một ví dụ, họ đã trả nữ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm 451.000 USD cho hai buổi nói chuyện hồi cuối năm 2014, và Giám đốc điều hành của công ty, Marc Benioff là nhà tài trợ chính cho chiến dịch vận động tranh cử của bà, cũng chính là một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Vận động tranh cử (PAC), người đã vạch chiến lược cho chiến dịch tranh cử của Hillary. Một lãnh đạo cao cấp khác của PAC khác là Irwin Jacobs, cựu Chủ tịch của Qualcomm, chính là người đã trả 335.000 USD cho buổi diễn thuyết của Hillary Clinton vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Khi bà Hillary tới eBay để nói chuyện về vai trò lãnh đạo của phụ nữ vào tháng 3/2014, bà đã có mối quan hệ khác với công ty này. Eileen Donahoe, vợ của Giám đốc điều hành John Donahoe, đã từng làm việc cho Hillary khi bà còn là ngoại trưởng Mỹ với vai trò Đại sứ tại Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc.
Các tiết lộ mới cho thấy khả năng kiếm tiền khổng lồ của Hillary Clinton trong chuỗi các buổi thuyết trình trước công chúng với vai trò là cựu ngoại trưởng, mà rất nhiều người chờ đợi sẽ là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho Hillary Clinton ở Thung lũng Silicon bắt đầu sau khi bà theo dõi một chính trị gia mới nổi tên là Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của rất nhiều nhà tài phiệt công nghiệp trong cuộc chiến giữa họ để giành suất đề cử ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2008.
Kể từ đó, Thung lũng Silicon đã bùng nổ tăng trưởng và trở thành mục tiêu tìm kiếm các nhà tài trợ chính trị của các ứng viên tổng thống. Thượng nghị sĩ bang Kentuky Rand Paul và cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush của Đảng Cộng hòa đang cố gắng giành thắng lợi trong khu vực nghiêng về cánh tả truyền thống này. Nhưng Hillary Clinton không cho họ nhiều cơ hội giành giật các ông chủ giới công nghệ một khi bà dự tính sẽ chạy đua vào Nhà Trắng. Một ngày cuối tháng bảy năm ngoái, bà viết trên Twitter: “Hôm nay đi thăm Google, Facebook và Twitter ở Thung lũng Silicon, muốn được gặp tất cả mọi người và trả lời một số câu hỏi”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ đã không nhận được bất kỳ khoản tiền nào cho việc thuyết trình tại những công ty mà bà đến thăm như một phần trong chiến dịch quảng bá cuốn sách “Lựa chọn khó khăn” của mình. Nhưng chỉ sau khoảng một tháng, bà đã kiếm ngay 650.000 USD/ngày cho buổi thuyết trình đầu tiên tại một hội nghị ở San Francisco được Nexenta Systems tài trợ. Tại đây, bà Clinton đã diễn thuyết về một số vấn đề chính sách ở Thung lũng Silicon mà vị tổng thống tương lai sẽ phải đối diện.
Những sự kiện kiểu này cũng đã đem lại cho Hillary Clinton nền tảng để cân nhắc về những vấn đề quốc gia đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Trong bài phát biểu đầu tiên của bà về tình trạng bất ổn sau vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson, bang Missouri, bà đã thúc giục người Mỹ không được bỏ qua “sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong hệ thống tư pháp”.
Hầu hết các buổi thuyết trình của Hillary Clinton không mở cửa cho công chúng và giới báo chí. Nhưng trong một số lần mở cửa rộng rãi, bà đã xuất hiện giống như đang thử nghiệm các chủ đề sẽ trở thành một phần của chiến dịch tranh cử sắp tới. Chẳng hạn, trong một hội thảo công nghệ vào tháng 4/2014 được hãng phần mềm Marketo tài trợ, bà đã nói về khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng tại Mỹ. Bà còn đề xuất thay đổi chính sách thuế đối với các công ty để giải quyết vấn đề này.