Theo trang Russia Beyond, nhà lãnh đạo Stalin đã đối xử với con trai đầu lòng của mình như bao người lính Liên Xô khác. Đặc biệt, khi nhập ngũ, Yakov Dzhugashvili không kiếm được một công việc nhàn nhã ở Bộ chỉ huy mà lao thẳng vào những hoạt động dày đặc ở tiền tuyến.
Mối quan hệ khó khăn
Yakov là con trai của Stalin từ cuộc hôn nhân đầu tiên với Ekaterine (Kato) Svanidze. Vì mẹ Yakov qua đời ngay sau khi sinh ra cậu, còn cha cậu thì dành toàn bộ thời gian cho hoạt động cách mạng hoặc sống ở nước ngoài, cậu bé Yakov được một người dì nuôi dưỡng.
Năm 1921, ở tuổi 14, Yakov Dzhugashvili (mang họ thật của Stalin) chuyển từ Gruzia đến Moskva, nơi cậu mới gặp cha mình lần đầu tiên. Mối quan hệ giữa hai người, khi đó về cơ bản không biết gì về nhau, thực sự khó khăn.
Stalin kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân đầu tiên của Yakov và điều này đã gây ra mâu thuẫn lớn giữa hai cha con. Thêm vào đó là nỗi đau cá nhân của Yakov khi chứng kiến cái chết của đứa con gái sơ sinh. Sau những bi kịch, Yakov từng tìm đến cái chết bằng cách tự bắn mình nhưng bất thành và anh sống sót nhờ nỗ lực của các bác sĩ Điện Kremlin.
Con trai cả của nhà lãnh đạo Liên Xô không phải lúc nào cũng phản đối cha mình trong mọi việc. Là một kỹ sư tuabin chuyên nghiệp, theo sự thuyết phục của người cha, Yakov đã đăng ký vào Học viện Pháo binh Hồng quân. Vào tháng 5/1941, một tháng trước khi Đức xâm lược Liên Xô, Thượng úy Yakov Dzhugashvili được bổ nhiệm làm chỉ huy một khẩu đội pháo binh.
Rơi vào tay Đức Quốc xã
Khi Thế chiến thứ hai lan đến Liên Xô vào giữa năm 1941, Yakov lên đường ra tiền tuyến với tư cách là một chỉ huy Hồng quân bình thường, với lời chia tay đơn giản của người cha: "Hãy đi và chiến đấu".
Nhưng Yakov không chiến đấu được lâu. Đầu tháng 7/1941, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân 20 của anh bị bao vây ở Belorussia, và vào ngày 16/7, trong một nỗ lực đột phá và tiếp cận quân mình, Thượng úy Yakov Dzhugashvili đã bị địch bắt.
Người Đức rất nhanh chóng nhận ra ai đã rơi vào tay họ sau khi Yakov bị một số đồng đội phản bội khai ra xuất thân của anh. Đức Quốc xã không có ý định tổ chức một cuộc hành quyết công khai con trai kẻ thù không đội trời chung của chúng. Ngược lại, lợi ích của phát xít Đức là lôi kéo Yakov về phía mình, sử dụng anh trong các chiến dịch tuyên truyền của họ và kích động "Stalin con" chống lại “Stalin cha”.
Yakov được đối xử lịch sự, nhẹ nhàng. Khi thẩm vấn anh, người Đức không chỉ hỏi về các vấn đề quân sự mà còn về quan điểm chính trị. Họ tranh luận về phương pháp điều hành nhà nước của Stalin, chỉ ra cho cậu con trai những sai lầm của người cha và nhấn mạnh những khuyết điểm trong hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Bolshevic. Tuy nhiên, bọn chúng đã không đạt được gì trong nỗ lực "làm mềm" tù nhân chiến tranh, và Yakov Dzhugashvili đã từ chối hợp tác với người Đức dưới bất kỳ hình thức nào.
Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của Đế chế thứ Ba đảm bảo rằng tin tức về việc bắt giữ con trai của Stalin đã trở thành một thông tin rộng rãi ở Liên Xô. Bất chấp thực tế là Yakov Dzhugashvili đã đặc biệt nhấn mạnh trong các cuộc thẩm vấn rằng anh đã bị bắt làm tù binh trái với ý muốn của mình, người Đức vẫn tuyên bố rằng việc Yakov đầu hàng là hoàn toàn tự nguyện. Ban đầu, chính Stalin cũng tin vào phiên bản sự kiện này.
"Không đổi một người lính cho một nguyên soái"
Sau đó, khi thông tin chân thật được truyền đến Điện Kremlin về hoàn cảnh con trai ông bị giam cầm cùng chi tiết về những hành động của Yakov khi bị Đức Quốc xã bắt giữ, Stalin đã nhanh chóng thay đổi quan điểm của mình về con trai và không còn coi anh là kẻ phản bội hèn nhát nữa.
Một số nhiệm vụ giải cứu đã được lên kế hoạch nhằm đưa Yakov Dzhugashvili thoát khỏi tay quân Đức. Những người Cộng sản Tây Ban Nha buộc phải chạy trốn khỏi Tây Ban Nha sau thất bại trong cuộc Nội chiến và hiện đang sống ở Liên Xô thậm chí còn được tuyển dụng cho chiến dịch này vì kinh nghiệm quý báu của họ về chiến tranh du kích và đảng phái. Nhưng mọi ý định giải thoát Yakov đều không đi đến đâu.
Sau trận Stalingrad, người Đức đã nhờ đến sự trung gian của nhà ngoại giao Thụy Điển - Bá tước Folke Bernadotte và Hội Chữ thập đỏ để đề nghị Stalin trao đổi con trai ông lấy Thống chế Friedrich Paulus và hàng chục sĩ quan cấp cao của Tập đoàn quân 6 bị Liên Xô giam giữ. Hitler đã hứa với người dân Đức sẽ đưa các tướng lĩnh về nước.
Ngày nay, chúng ta chỉ có thể suy đoán Stalin đã nghĩ gì về một cuộc trao đổi như vậy. Nhưng có một lập trường được tin tưởng ở Liên Xô trong thời kỳ hậu chiến là nhà lãnh đạo Liên Xô đã trả lời một cách lạnh lùng trước đề nghị của Đức: “Tôi sẽ không đổi một người lính lấy một nguyên soái”. Tuy nhiên, không có tài liệu nào xác nhận rằng ông đã thực sự thốt ra câu nói đó.
Con gái của nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô, bà Svetlana Alliluyeva, nhớ lại rằng ngay sau những sự kiện này, vào mùa đông năm 1943-44, cha bà đã giận dữ đề cập đến thỏa thuận thất bại: "Người Đức đề xuất đổi Yasha lấy một số người của họ... Tôi có nên bắt đầu thương lượng với họ không? Không, chiến tranh là chiến tranh”.
Nguyên soái Liên Xô Zhukov sau này viết trong cuốn Hồi ức của mình rằng một lần, khi họ đi dạo, ông đã hỏi Stalin về con trai lớn của ông. Nhà lãnh đạo Liên Xô trầm ngâm trả lời: "Yakov sẽ không thoát khỏi cảnh bị giam cầm. Bọn phát xít sẽ bắn nó". Sau một lúc dừng, ông nói thêm: "Không, Yakov thà chết còn hơn phản bội Tổ quốc."
Đúng như vậy, trong nhà tù của Đức Quốc xã, Yakov Dzhugashvili tiếp tục tỏ ra thách thức, và những đối xử tốt ban đầu của người Đức nhanh chóng trở nên cực kỳ khắc nghiệt. Kết quả là, khi không thể lợi dụng anh cho mục đích tuyên truyền hay trao đổi tù nhân, bọn chúng mất hết hứng thú với tù nhân đặc biệt của mình. Vào ngày 14/4/1943, Yakov lao mình vào hàng rào thép gai có điện ở trại tập trung Sachsenhausen và ngay lập tức bị lính canh bắn chết. Cho dù anh muốn tự sát hay bỏ trốn, hoặc liệu cái chết của Yakov có phải do chính người Đức tổ chức hay không, đó vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay.