Hoạt động tại Shahid Soltani đã gia tăng trong nửa sau của năm nay, trùng khớp với các thông tin cáo buộc từ các chính phủ phương Tây rằng Iran đã bắt đầu chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga. Cùng lúc đó, lực lượng Houthi ở Yemen cũng đã tăng cường sử dụng tên lửa đạn đạo trong các cuộc tấn công vào tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ.
Căn cứ quân sự nói trên nằm ở phía Đông Bắc của Tehran, trong một khu vực núi non giữa các thành phố Karaj và Eshtehard. Căn cứ này thuộc quyền chỉ huy của đơn vị tên lửa Al-Ghadir thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Ngoài việc kiểm soát hoạt động của kho vũ khí tên lửa đạn đạo, Đơn vị Al-Ghadir còn chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí và các chuyên gia để huấn luyện cho các lực lượng thân Iran và đồng minh cách sử dụng. Đơn vị thuộc IRGC này đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt trong hơn một thập kỷ. Ông Hossein Salami, lãnh đạo IRGC, là người đứng đầu căn cứ này.
Thông tin tình báo nói trên về Shahid Soltani được thu thập bởi nhóm đối lập Hội đồng Phản kháng Quốc gia Iran với sự giúp đỡ của các nguồn tin bên trong nước và IRGC. Nhóm này thường thu thập thông tin tình báo về các hoạt động bí mật của Iran. Vào năm 2002, họ là những người đầu tiên tiết lộ về sự tồn tại của địa điểm hạt nhân bí mật Natanz - cơ sở chính để làm giàu urani của Iran.
Quân đội Israel đã tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công trả đũa lớn và mạnh mẽ để đáp trả vụ Iran tấn công bằng tên lửa đạn đạo gần đây vào Israel. Kế hoạch đó có thể bao gồm các cuộc tấn công vào các địa điểm như căn cứ Shahid Soltani.
Chỉ huy gần đây nhất được biết đến của địa điểm tên lửa này là Chuẩn tướng Partovi. Ông này được các thành viên chi nhánh địa phương của IRGC ở gần Eshtehard hỗ trợ.
Shahid Soltani bao gồm một loạt các kho được xây dựng khoảng 15 năm trước và một mạng lưới đường hầm ngầm mới được phát triển gần đây. Các tên lửa đang được cất tại địa điểm này bao gồm Shabab 3, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ bệ phóng di động, và các tên lửa thuộc lớp Fattah.
Căn cứ này được chia thành hai khu vực, trong đó khu đầu tiên có ít nhất năm kho lớn, bao phủ khoảng 6.500 mét vuông. Một trong các tòa nhà có mái xanh cao khoảng 20 mét, cho thấy có thể có một cần cẩu bên trong để di chuyển hàng hóa xung quanh. Hình ảnh vệ tinh chụp địa điểm này vào tháng 7/2024 cho thấy có hơn 10 xe kéo bên ngoài cơ sở này, cho thấy hoạt động gia tăng. Khu thứ hai gồm một loạt tòa nhà có mái màu trắng, bao phủ khoảng 3.000 mét vuông, nằm liền kề.
Bên cạnh các cơ sở trên mặt đất, có hai đường hầm kéo dài khoảng 305 mét từ đầu đến cuối. Công việc đào hầm bắt đầu vào năm 2017 và hoàn thành bốn năm sau đó. Gần cửa hầm, có các ống thông gió.
Địa điểm này chứa một số xe kéo và các công trình khác. Iran thường xây dựng các đường hầm cùng với các cơ sở quân sự và hạt nhân để bảo vệ trước các cuộc không kích.
Năm 2023, chính quyền Iran đã công bố chi tiết về mạng lưới đường hầm để chứa hệ thống phòng không. Các đường hầm ngầm cũng đã được xây dựng xung quanh cơ sở hạt nhân Natanz, mà các nhà phân tích cho rằng quá sâu nên các cuộc không kích của Mỹ không thể tiếp cận được.
Theo Hội đồng Phản kháng Quốc gia Iran, các quan chức địa phương nói rằng khu vực xung quanh Căn cứ Shahid Soltani vừa nhạy cảm vừa bí mật. Lực lượng bảo vệ được bố trí trên đường dẫn đến cơ sở này, chỉ có các xe của nhân sự làm việc tại cơ sở bí mật này mới được phép ra vào trạm kiểm soát. Khu vực này được bảo vệ bằng hai hàng dây thép gai và người dân địa phương không được phép tiếp cận hoặc chụp ảnh theo hướng đó.
Gần đây, Mỹ đã cáo buộc Iran chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga. Theo hãng tin Reuters, ngày 10/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Nga đã nhận được tên lửa đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng ở Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng sự hợp tác giữa Moskva và Tehran đe dọa đến an ninh rộng lớn hơn của châu Âu.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder cho biết Mỹ xác nhận rằng Nga đã nhận được tên lửa đạn đạo từ Iran phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Thiếu tướng Ryder, Mỹ đánh giá Fath-360, một loại hệ thống tên lửa đạn đạo tầm gần, trong vòng vài tuần tới có thể được sử dụng để chống Ukraine. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng nói rằng hàng chục quân nhân Nga đã được đào tạo tại Iran để sử dụng hệ thống tên lửa này.
Trước đó, vào ngày 6/9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett cảnh báo rằng bất kỳ động thái chuyển giao tên lửa đạn đạo nào của Iran cho Nga sẽ đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ngày 11/9, cả Nga và Iran đều đã lên tiếng trước cáo buộc của phía Mỹ rằng Nga đã nhận được tên lửa đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, gọi những tuyên bố về chuyển giao vũ khí như vậy là vô căn cứ. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết thêm Moskva hợp tác với nhiều quốc gia theo đuổi lợi ích chung và các Lực lượng vũ trang Nga có mọi thứ mà họ cần để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Về phần mình, trong một phát biểu trên tài khoản mạng xã hội X ngày 11/9, Ngoại trưởng Iran, ông Abbas Araqchi nói rằng: "Một lần nữa, Mỹ và E3 (Đức, Anh và Pháp) hành động dựa trên thông tin tình báo sai lệch và logic sai lầm”.
Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh Tehran “KHÔNG” chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga và “những người nghiện trừng phạt nên tự hỏi mình là làm thế nào mà Iran có thể sản xuất và được cho là đã bán vũ khí tinh vi? Các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp, mà là một phần của vấn đề”.