Kỹ sư Phạm Hồng Thắm bên cạnh máy bấm đầu răng lưỡi cưa CD tự sáng chế. Ảnh: baoapbac.vn |
Trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI vừa qua, giải
pháp “Máy cưa CD tự động” của hai đồng tác giả, đồng thời cũng là hai
anh em ruột đến từ miền đất nhiễm mặn ven biển nhiều khó khăn của tỉnh
Tiền Giang là Phạm Hồng Thắm và Phạm Hồng Thơm đã xuất sắc giành giải
nhất.
Anh Phạm Hồng Thắm, sinh năm 1973, có trình độ trung cấp cơ khí và
anh Phạm Hồng Thơm, sinh năm 1984, có trình độ thạc sĩ ngành điều khiển
tự động.
Xuất thân từ con em nông dân
huyện Tân Phú Đông, hai anh Thơm và Thắm có ý chí vươn lên trong học
tập, tạo dựng sự nghiệp. Đặc biệt, hai anh đều có năng khiếu và đam mê
sáng tạo máy móc, cơ khí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp thay
đổi diện mạo và đời sống trên quê hương của mình.
Theo đó, sau
khi ra trường, hai anh em Thắm và Thơm trở về quê là xã Phú Thạnh,
huyện Tân Phú Đông mở cơ sở cơ khí chế tạo máy móc nông ngư cơ Tân Phước
Đông, nay là Công ty TNHH MTV Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông.
Doanh nghiệp của hai anh em Thắm và Thơm chuyên chế tạo, sửa chữa những
sản phẩm máy móc nông nghiệp, cơ khí phục vụ ngành đóng mới phương tiện
khai thác hải sản, vốn là một trong những thế mạnh của huyện miền biển
tỉnh Tiền Giang.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, doanh
nghiệp Tân Phước Đông chuyên sâu về lĩnh vực cơ khí và tự động hóa nhiều
tiện ích trong ứng dụng phục vụ đời sống. Trong các sáng tạo kỹ thuật,
nổi bật là việc hai anh em nghiên cứu chế tạo thành công máy cưa CD tự
động.
Theo anh Thắm, về cơ bản, hình dáng máy cưa CD tự động
chuyên dùng cưa xẻ gỗ mẫu mã đẹp, tiện ích hơn những máy cưa xẻ gỗ
truyền thống.
Ưu điểm vượt trội của máy cưa CD tự động “made in Tân
Phước Đông” là được thiết kế hoạt động dưới hai chế độ là tự động và bán
tự động; giảm chi phí cưa xẻ và đảm bảo an toàn cho người điều khiển.
Độ bền của máy cũng tăng lên nhờ bạc đạn (ổ bi) bánh đà được cải tiến,
bôi trơn và giải nhiệt bằng nhớt. Máy có bộ điều khiển tự động, chỉ cần
một người điều khiển, sử dụng dễ dàng.
Lưỡi cưa được truyền
động, điều chỉnh lên xuống, tới lui hoàn toàn bằng hệ thống tự động, rất
nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và an toàn. Máy khắc phục được một số khiếm
khuyết của những máy cưa các thế hệ trước trong cưa xẻ gỗ phục vụ ngành
đóng tàu thuyền vỏ gỗ nói chung và tàu thuyền đánh bắt hải sản nói
riêng.
Kỹ sư Phạm Việt Hồng, Phó ban thường
trực Ban Giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, đánh giá: Qua thực tế hoạt động, độ an toàn của máy cao, giảm ô nhiễm môi
trường. Đặc biệt, máy cưa CD tự động tiện dụng trong cưa xẻ gỗ đóng tàu
thuyền. Nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế trong trường hợp
hỏng hóc dễ tìm, giá cả hợp lý.
Theo anh Phạm Hồng Thắm, giá
một máy cưa CD khi xuất xưởng khoảng 120 triệu đồng. Trung bình mỗi năm,
cơ sở Tân Phước Đông xuất xưởng từ 15 - 20 chiếc máy cưa CD tự động
cung cấp cho các khách hàng ở khắp các tỉnh khu vực phía Nam: Bến Tre,
Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Đặc biệt, trong
năm 2016, thông qua một đối tác là Việt kiều, Công ty TNHH MTV Tân Phước
Đông còn xuất khẩu sản phẩm máy cưa CD tự động sang thị trường châu Phi
với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.
Thành công của giải pháp máy cưa CD tự động là
động lực lớn để hai anh em Thắm và Thơm trong thời gian tới tiếp tục có
thêm nhiều sáng chế mới, đắc dụng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương.
Theo anh Thắm, hai anh đang tập trung nghiên cứu
chế tạo các sản phẩm mới như máy mài lưỡi cưa; máy bấm me lưỡi cưa CD tự
động... nhằm tạo ra một hệ thống sản phẩm đồng bộ từ máy cưa CD
tự động, máy mài lưỡi cưa, máy bấm me lưỡi cưa CD tự động, giúp khách
hàng hoàn thiện dây chuyền cưa xẻ gỗ, đáp ứng nhu cầu
ngành đóng sửa tàu thuyền. Nhờ vậy, tạo hậu cần vững chắc cho nghề cá
các tỉnh phía Nam, trong đó có huyện cù lao Tân Phú Đông nghèo khó vươn lên, khai thác tiềm năng kinh tế biển làm giàu.