Trong một tuyên bố ngày 4/4, Tổng Chưởng lý Australia - ông Mark Dreyfus cho biết quyết định trên được đưa ra theo khuyến cáo của các cơ quan tình báo trong nước và sẽ bắt đầu có hiệu lực "ngay khi có thể".
Khi lệnh cấm trên được triển khai, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ. Trước đó, Pháp, Hà Lan và Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra quyết định tương tự.
Theo Tổng Chưởng lý Dreyfus, Chính phủ Australia sẽ phê duyệt một số miễn trừ đối với lệnh cấm này tùy theo từng trường hợp cụ thể, nếu "các biện pháp giảm thiểu nguy cơ an ninh được áp dụng một cách phù hợp".
TikTok - thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) - nổi tiếng với các video ngắn, vui nhộn. Ứng dụng này trước đó từng được nhiều cơ quan chính phủ tại Australia tận dụng làm cầu nối với nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi, vốn khó tiếp cận hơn thông qua các kênh truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng TikTok có thể đã chia sẻ với bên thứ ba những dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được từ hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên trên toàn cầu.
Hiện TikTok và Văn phòng Thủ tướng Australia chưa đưa ra bình luận chính thức nào liên quan lệnh cấm trên.
Báo The Age dẫn lời Tổng Giám đốc TikTok tại Australia - ông Lee Hunter - cho biết công ty này thất vọng khi nghe tin trên các phương tiện truyền thông về lệnh cấm, "bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại của chúng tôi để tham gia với chính phủ một cách xây dựng về chính sách bảo mật".
Ông Hunter nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy TikTok, theo bất cứ cách thức nào, có thể gây ra các rủi ro về bảo mật cho người dân Australia. Do đó, không nên đối xử khác biệt với các nền tảng truyền thông xã hội khác".