Gấu nước - Động vật chân khớp tardigrada nhỏ bé sống ở dưới nước. |
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh), gấu nước - tên gọi phổ biến của ngành động vật chân khớp tardigrada nhỏ bé sống ở dưới nước – chính là động vật “cứng đầu” nhất trên thế giới.
Mặc dù thân thể mong manh và chỉ dài chừng 0,5cm nhưng gấu nước lại có khả năng sống sót tới 30 năm trong điều kiện không có thức ăn, nước uống hay chịu được mức nhiệt cao 150 độ C và độ phóng xạ từ 5.000 tới 6.200 Gy.
Dự tính loài gấu nước “siêu cứng đầu” sẽ tồn tại ít nhất 10 tỷ năm, bất chấp nhiều thảm họa “tận thế” xảy đến với hành tinh của chúng ta như va chạm với thiên thạch hoặc ảnh hưởng bức xạ từ một ngôi sao nổ tung.
Chính vì đặc điểm “không thể bị tiêu diệt” này mà gấu nước sẽ là loài sinh vật cuối cùng còn sống trên Trái Đất.
Nghiên cứu trên còn nhằm xác định những tình thế nguy kịch nhất sẽ làm sự sống trên Trái Đất biến mất.
Tiến sĩ Rafael Alves Batista, một nhà nghiên cứu tại Khoa Vật lý Đại học Oxford chia sẻ: “Câu hỏi mà chúng tôi muốn trả lời là: điều gì sẽ giết chết toàn bộ sinh mạng trên một hành tinh? Để đạt được điều đó, chúng tôi cần thứ gì đó có thể giết tardigrada. Không có công nghệ bảo vệ chúng ta, con người là một loài rất dễ tổn thương”.
Gấu nước chỉ có thể tuyệt chủng nếu một ngày Mặt Trời nổ tung và tất cả đại dương trên thế giới bị đun sôi sục bởi lượng nhiệt kinh hoàng mà Mặt Trời giải phóng ra.