Doug Olson đã từng phải chung sống với căn bệnh ung thư bạch cầu (CLL) 14 năm. Năm 2010, sau 4 lần hóa trị, cửa sống duy nhất đối với bệnh nhân này là phẫu thuật ghép tủy, với tỉ lệ thành công là 50/50. Nhưng rồi dịp may cũng đến.
Phương pháp điều trị mới hứa hẹn sẽ mở ra bước tiến mới trong cuộc chiến chống ung thư. Ảnh: CBSNews |
Ông là bệnh nhân thứ 3 được thử nghiệm điều trị bằng liệu pháp gien hướng đến việc điều chỉnh hệ miễn dịch. Vũ khí được lấy từ chính người bệnh. Các bác sĩ tại Đại học Pennsylvania đã tách ra các “tế bào T” - hay còn gọi là tế bào bạch cầu giúp chống lây nhiễm. Các tế bào này sau đó được chuyển đổi về gien để có thể nhận dạng và tấn công tế bào ung thư.
Tiến sĩ David Porter, thành viên giám sát liệu pháp này cho biết: Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, một “tế bào T” sau khi được chuyển đổi gien và cấy vào cơ thể sẽ có khả năng tiêu diệt 93.000 tế bào ung thư máu. Sau 3 tuần điều trị, các bác sĩ đã không còn thấy một tế bào ung thư bạch cầu nào trong máu của Olson.
Đã có 59 bệnh nhân được thử nghiệm phương pháp điều trị mới này, cho cả hai căn bệnh ung thư bạch cầu và ung thư bạch cầu lympho cấp (ALL). 15/32 bệnh nhân mắc CLL đã có phản ứng tích cực, trong đó 7 người không còn biểu hiện bệnh bạch cầu. Đối với các bệnh nhân mắc ALL, chủ yếu là trẻ em, kết quả còn tích cực hơn: 24/27 người đã không còn tế bào ung thư trong cơ thể.
Tiến bộ này mở ra hy vọng mới về kĩ thuật điều trị tương tự đối với các căn bệnh ung thư khác liên quan đến hệ miễn dịch. Trong một vài tháng tới, các bác sĩ sẽ thử nghiệm liệu pháp hiện đại này đối với các bệnh nhân mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết.
HT (CBSNews)